Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG CỦA BÁC HỒ VỚI PHỤ NỮ


c1

            Không có chỗ cho “Bác gái” đứng à?
Ngày 26 tháng 12 năm 1956, Bác Hồ đã tiếp hơn 300 đại biểu phụ nữ Thủ đô tại Phủ Chủ tịch. Họ là những phụ nữ ưu tú, gồm đủ các thành phần: Công nhân, nông dân, trí thức, tiểu thương, học sinh, các tôn giáo, phụ nữ miền Nam tập kết ra Bắc và các gia đình có công với cách mạng. Được đi gặp Bác, ai cũng tươi cười hớn hở, diện những bộ quần áo đẹp nhất.
Sau khi nói chuyện và căn dặn các đại biểu phụ nữ, Bác vui vẻ chỉ vào những đĩa bánh, những đĩa kẹo bày trên bàn và bảo:
- Các cô ăn bánh, ăn kẹo đi. Cô nào có cháu bé thì mang về cho cháu; có chồng thì mang về cho chồng; có người yêu thì mang về cho người yêu, nói là quà của Bác Hồ.
Được lời của Bác, mọi người phấn khởi chia nhau bánh, kẹo.
Nào bây giờ Bác cháu ta ra chụp ảnh.
Mọi người cùng kéo cả ra thềm Phủ Chủ tịch. Chị nào, cô nào cũng muốn được đến gần Bác để chụp ảnh. Bác bảo:
- Ai cũng muốn đứng gần Bác cả thì không có chỗ cho “bác gái” đứng à?
Mọi người còn chưa hiểu “bác gái” nào Bác đã kéo bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch thành phố Hà Nội lại bảo: “Bác gái đây!”.
Tất cả mọi người cười vui vẻ. Bác nói tiếp:
- Bây giờ những cô nào đứng phía trước thì ngồi xuống, để những người đứng phía sau được rõ mặt hơn.
Mọi người răm rắp vâng theo lời Bác.
Nhà nhiếp ảnh bấm liền mấy “pô” ảnh. Ai cũng nghĩ: Chụp ảnh xong sẽ được chào Bác ra về. Nhưng đến khi quay lại, Bác đã không đứng đó nữa làm mọi người vô cùng luyến tiếc.
Các chú ấy nói có đúng không?
Chủ nhật trước ngày 2 tháng 9 năm 1958, một số chị em trong cơ quan Thành hội Phụ nữ đã đi phố sắm sửa cho ngày lễ. Nhưng khu tập thể vẫn đông vui vì hôm đấy không chỉ có các ông chồng về chơi, mà nhiều chị em còn đón cả bố mẹ ở quê ra dự ngày hội lớn ở Thủ đô. Mọi người không ngờ đã được Bác Hồ đến thăm. Xe vừa đỗ, Bác nhanh nhẹn bước xuống. Các chị trong cơ quan mừng quá, ùa ra đón, mời Bác vào phòng khách, nhưng Bác không vào mà nói:
- Không, Bác chưa vào phòng khách. Các cô cứ để Bác đi xem các cô ăn ở thế nào đã.
Bác đi qua sân, qua dãy nhà tập thể xuống thẳng bếp, hỏi thăm việc nấu nướng và khen ngợi chị em cấp dưỡng giữ gìn bếp núc sạch sẽ. Đến thăm nhà trẻ nhưng là ngày nghỉ, các cháu ở nhà, Bác nhìn qua cửa thấy nhà trẻ sạch bong, Bác gật đầu tỏ ý hài lòng. Bác thấy ngoài sân có một số cán bộ nam giới, Bác hỏi anh em:
- Cơ quan phụ nữ sao lại có các chú ở đây?
- Thưa Bác, hôm nay là Chủ nhật, chúng cháu về thăm gia đình ạ!
Bác hỏi lại:
- Các chú chỉ về thăm thôi à? Các chú về phải giúp đỡ các cô ấy việc gì chứ!
 - Thưa Bác, chúng cháu có giặt giũ, bế con, dọn dẹp nhà cửa đấy ạ!
Bác quay lại hỏi các chị em:
Thế nào, các chú ấy nói có đúng không?
- Thưa Bác, đúng ạ!
Tất cả vui vẻ cười rộ lên sung sướng theo cái gật đầu, bằng lòng của Bác. Lúc ấy Bác mới đi vào phòng khách và hỏi thăm sức khỏe, tuổi tác của mấy cụ già, rồi căn dặn các chị em làm việc tốt, riêng với các cô giữ trẻ, Bác nhắc nhở:
- Các cháu là mầm non của Tổ quốc, là tương lai của xã hội, các cô phải trông nom dạy dỗ các cháu cho chu đáo.
Eo ơi, tướng giặc, sợ quá!
Trong đời mình, nghệ sĩ ưu tú Lệ Thanh đã nhiều lần vinh dự được vào Phủ Chủ tịch hát và cũng đồng nghiệp biểu diễn phục vụ Bác. Đầu năm 1967, Đoàn Kim Phụng đã biểu diễn vở Kiều Nguyệt Nga để Bác xem. Về lần biểu diện này nghệ sĩ Lệ Thanh kể:
“Chúng tôi chọn màn đầu của vở Kiều Nguyệt Nga vì muốn để Bác được nghe nhiều làn điệu và vui. Tôi đóng vai Lục Vân Tiên. Các vai khác cũng do toàn nữ diễn viên đóng. Anh Ngọc vai Kim Liên, Liên Phương vai quân hầu và chị Tốn đóng vai tướng giặc Phong Lai.
Trong khi chúng tôi đang hóa trang, đột nhiên Bác bước vào, tay cầm mảnh giấy đọc:
- Hồng Trang: Bà bầu.
Chị Hồng Trang lúc đấy là Trưởng đoàn Kim Phụng vội thưa:
- Thưa Bác, cháu đây ạ!
Bác gọi tiếp:
- Lệ Thanh, Lục Vân Tiên.
Tôi vội đứng lên:
- Thưa Bác, cháu ạ!
Bác cười:
- Con gái đóng con trai à?
Tôi thưa :
- Vâng ạ!
Bác lại gọi:
- Tướng giặc Phong Lai đâu?
Chị Tốn đang vẽ mặt, đeo râu, vội bước ra.
Bác giơ hai bàn tay, lắc đầu nói vui:
- Eo ơi, Tướng giặc, sợ quá!
Tất cả Bác cháu đều cười rộ lên rất vui vẻ. Khi biểu diễn xong, các diễn viên đứng ra chào, được Bác lên tặng hoa và bắt tay từng người. Lúc đến trước mặt tôi vẫn trong trang phục Lục Vân Tiên - Bác nói vui:
- Dại thế, lúc nãy Kiều Nguyệt Nga tặng trâm sao không lấy?
Tôi cũng cười, mạnh dạn thưa:
- Thưa Bác, vì Vân Tiên là một tráng sĩ gặp người bị nạn giữa đường thì cứu giúp, vì việc nghĩa chứ không vì vàng bạc ạ.
Bác cười gật đầu…
Bác đến thăm và nói chuyện với Đại hội Ba đảm đang của phụ nữ Thủ đô

cac co co bi chong danh khong a1 
 Ảnh Tư liệu
Đại hội Ba đảm đang của phụ nữ Thủ đô lần thứ nhất, khai mạc rất trọng thể vào tối 1-12-1965 tại hội trường Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Chiều 2-12-1065 (ngày họp thứ 2) vào khoảng 16 giờ, Đại hội vô cùng sung sướng, phấn khởi được đón Bác. Cùng đi với Người có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Anh hùng miền Nam Tạ Thị Kiều. Vừa thấy Bác, cả Hội trường đứng bật dậy, vỗ tay ran như sấm lẫn với tiếng reo vô cùng phấn khởi.
- Bác! Bác đến! Bác đến!... Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!
Sau mấy phút vô cùng sôi nổi, Bác giơ tay ra hiệu (một cử chỉ thường có của Bác) cho Đại hội im lặng, rồi Bác tươi cười chỉ vào chị Kiều và nói:
- Hôm nay, Bác dẫn “cô bé này” đến với Đại hội, các cô, các chú(Đại hội có một số đại biểu là nam giới) có phấn khởi không?
Cả Đại hội vỗ tay rầm rầm xen lẫn tiếng:
- Thưa Bác, có ạ!
Không khí Đại hội thật vô cùng náo nhiệt, sôi nổi. Bác đã kể cho Đại hội nghe về những gương anh hùng của phụ nữ ta trong thời kỳ bí mật, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và sự hy sinh anh dũng của chị em miền Nam trong chống Mỹ.
Thật bất ngờ, Bác rút trong túi ra một cột báo của Báo Thủ đô ngày hôm đó, đọc tên bảy bà và chị, xong Bác hỏi:
- Các cô ấy có mặt ở Đại  hội này không?
Hội trường lại vang lên:
- Thưa Bác, có ạ!
Bác tươi cười nói:
- Hôm nay, Bác đọc báo thấy có đăng thành tích của bảy cô là công nhân, là nông dân, là giáo viên… Bác rất vui, Bác có mấy chiếc huy hiệu để tặng các cô ấy.
Mọi người sung sướng vỗ tay tưởng làm vỡ phòng họp.
Sau cùng Bác hỏi:
- Các cô có muốn được Bác thưởng Huy hiệu của Bác không?
Cả Hội trường lại phấn khởi trả lời vang lên:
- Thưa Bác, có ạ, có ạ!
Vậy các cô về làm công tác cho tốt, Bác sẽ thưởng!
Cả Hội trường lại vang lên như sấm.
Vào nhầm nhà trẻ
Ở chiến khu Việt Bắc, một lần Bác đến thăm nhà nữ đồng chí Loan, người đã kéo cờ ở Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Vào đến nhà, thấy đông con nhỏ, Bác nói vui:
- Ồ tưởng đây là nhà cô Loan, hóa ra mình vào nhầm nhà trẻ!
Biết Bác phê bình khéo, chị gượng cười và báo cáo:
- Thưa Bác đây là tiểu đội của vợ chồng cháu đấy ạ!
Bác vui vẻ bảo chị tập trung "tiểu đội" cứ lần lượt, bé nhất đứng trước Bác chia kẹo. Chị đang loay hoay sắp xếp đội hình, Bác bảo:
- Tiểu đội trưởng cũng đứng vào hàng chứ!
Bác chia kẹo cho các cháu và chị nữa. Khi đến lượt chị, Bác nói vui:
- Bác khen là cô đã có công nuôi dạy các cháu ngoan.
Bác "Chấm bài" cho một cô giáo
c3

Ảnh Tư liệu
Sáng 17 tháng 9 năm 1958, Bác đến thăm ngót 3.000 thầy giáo, cô giáo của toàn miền Bắc được tập trung về Trường Bổ túc Công nông Trung ương để nghiên cứu tình hình nhiệm vụ của cách mạng và nhiệm vụ của ngành giáo dục.
Bác nói chuyện với các thầy giáo, cô giáo về nghề dạy học, nghề "trồng người".
Tại buổi nói chuyện này, có một chuyện làm mọi người nhớ mãi và trở thành một kỷ niệm không thể quên. Lúc Bác nói chuyện xong một cô giáo của Trường Lương Ngọc Quyến - Liên khu Việt Bắc lên tặng Bác một món quà nhỏ. Mọi người thấy cô giáo trân trọng tặng Bác một chiếc cặp ba dây. Bác mở ra: Trong cặp có 4 chiếc khăn mùi soa. Bác cầm một chiếc và đọc to những dòng chữ thêu trên khăn. Đó là một bài thơ ngắn. Đọc xong Bác trích ra hai câu và "chấm bài" ngay tại chỗ. Câu thứ nhất: "Bác là ánh sáng quang vinh", Bác sửa: "Bác là Hồ Chí Minh" ; và câu thứ hai: "Chúng con quyết trí hy sinh" lại được Bác sửa: "Chúng tôi quyết chí hy sinh". Bác vui vẻ nói: "Quyết chí" mà cô giáo viết sai chính tả thành "Quyết trí". Cả Hội trường cười vui, làm không khí thân mật, đầm ấm, tình cảm giữa lãnh tụ với nhân dân mà ấm áp như cha con trong nhà.
Gái mà làm anh nuôi à?
Đến thăm một đơn vị bộ đội phòng không, đang giữa câu chuyện với ngót 500 cán bộ, chiến sĩ, Bác hỏi:
- Có anh nuôi ở đây không?
- Có ạ!
- Các cháu lên đây.
Các cô gái ngày thường lấm lem than nồi, thế mà giờ đây lại được Bác Hồ quan tâm, cảm động quá cứ ôm lấy Bác Hồ mà khóc. Bác hỏi vui:
- Các cháu làm gì?
- Chúng cháu làm anh nuôi ạ!
- Gái mà làm anh nuôi à?
Bác cháu bật cười vui vẻ.
                                                                                  Tâm Trang (Tổng hợp)

NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẠC BIỆT VÀ BỮA CƠM VỚI HỒ CHỦ TỊCH



Mái tóc dài buông xõa, đôi hàng lông mày cong cong, khóe miệng tươi ghi dấu một thời xuân sắc, gặp bà Trương Thị Khuê ít ai có thể nghĩ trong cái thời “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” người phụ nữ ấy kiên gan cầm súng canh giữ từng tấc đất Vĩnh Linh. Bà đã cùng đồng đội sáu lần bắn rơi máy bay địch, ba lần vinh dự gặp mặt Bác Hồ…
Bắn rơi 6 máy bay địch
Nơi đầu sóng ngọn gió của thời kỳ chống Mỹ, năm 1945, Trương Thị Khuê sinh ra trong một gia đình nông dân xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Mảnh đất khói lửa ấy đã sớm được hun đúc nên một cá tính mạnh mẽ và quả cảm.
Mới lên chín tuổi thì mẹ mất, tới 18 tuổi bố bị bom Mỹ giết hại, hoàn cảnh gia đình đã rèn cho cô bé Khuê tính tự lập, đảm đang, không chỉ trong gia đình mà ở các hoạt động của cộng đồng như phụ trách đội thiếu nhi, đội du kích…
Năm 1965, ở tuổi 20, Trương Thị Khuê đã trở thành Xã đội phó kiêm Trung đội trưởng pháo 12 ly 7 xã Vĩnh Thủy, khu vực Vĩnh Linh. Trong thời gian này bà đã cùng đơn vị dũng cảm, tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Bà cùng đồng đội từng bắn rơi sáu chiếc máy bay địch, bắt giữ hàng chục lính Ngụy. Tuy nhiên khi nói về những thành tích này, bà chỉ khiêm tốn nói “của đơn vị đấy, chứ tôi có làm được gì đâu.”
Bởi bà tâm niệm giản dị rằng: “Đừng ai nói với tôi là sao bà lại có thể như thế này, như thế kia. Không phải là người phụ nữ Việt Nam thích chiến đấu đâu. Đơn giản là vì Mỹ mang quân đến Việt Nam xâm lược nên mình phải đánh trả lại thôi.”
Với những thành tích trong chiến đấu, bà Trương Thị Khuê đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và Huy hiệu Bác Hồ. Đặc biệt, tháng 8 năm 1968, dân quân xã Vĩnh Thủy đã được tuyên dương đơn vị Anh hùng, bản thân bà cũng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang.
Và bữa trưa với Bác…
Tuy nhiên, khi được hỏi trong chặng đường chiến đấu và kiên trung bảo vệ Tổ quốc phần thưởng cao quý nhất với bà là gì, bà Khuê nói, đó là những  lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được ăn cơm cùng Bác, được kể chuyện chiến đấu cho Bác nghe, được hát phục vụ Bác.
“Tôi không bao giờ có thể quên, bây giờ những hình ảnh ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Bác kể chuyện, đem kẹo cho chúng tôi ăn. Nhưng cảm động nhất là bữa cơm được ăn cùng Bác có đĩa cá tre mà trong tôi gọi là cá hẹ kho, đĩa gà luộc, đĩa rau muống luộc, cà muối. Bữa trưa có thế thôi nhưng ấm áp vô cùng,” bà Khuê bồi hồi nhớ lại.
Nhắc đến đây bà Khuê rưng rưng nói: “Cảm động nhất là Bác tự tay chia phần cơm cho chúng tôi khiến chúng tôi nghẹn ngào không ăn được. Vì nghĩ hoàn cảnh mình là trẻ mồ côi không có ai chăm sóc, nhìn Bác gần gũi và giản dị giống như ông nội, ông ngoại của mình thôi, chứ không giống một vị Chủ tịch nước.”
Cũng trong năm đó, bà Khuê được Bác Hồ cho phép ở lại Hà Nội học tập phục vụ xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nhưng với tình yêu quê hương mãnh liệt, cùng mong muốn được kề vai sát cánh cùng đồng đội bảo vệ mảnh đất Vĩnh Linh khói lửa, bà lại trở về phục vụ kháng chiến. Chỉ đến khi hòa bình lập lại, bà mới rời tay súng tham gia công tác Hội Phụ nữ địa phương.
Hai lần được gặp Bác Hồ sau đó đều trở thành những dấu ấn, để lại nhiều bài học về lối sống cũng như nhân cách cao đẹp của vị lãnh tụ đáng kính và có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời bà Trương Thị Khuê.
Năm 1997, bà được tín nhiệm bầu là ủy viên Đảng đoàn - Phó Chủ tịch rồi đến Phó Chủ tịch thường trực, Phó Bí thư Đảng đoàn Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhiều năm liền bà là Đại biểu Quốc hội.
Trong gần 30 năm làm công tác Hội Phụ nữ, bà luôn tâm huyết và có trách nhiệm trước các phong trào của Hội. Bà trăn trở về thực trạng đời sống kinh tế, văn hóa của phụ nữ vùng sâu, vùng xa, những vấn đề còn bức xúc về lao động nữ trong các khu công nghiệp, sự bất bình đẳng giới diễn ra ở nhiều nơi.
Bởi trong mắt bà, vị thế của người phụ nữ cũng cần được củng cố và nâng cao trong cả gia đình và xã hội. Bà trở thành tấm gương sáng cho các cán bộ phụ nữ của cả nước và ngay tại quê hương mình.
Đến nay, khi đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy,” cái tuổi lẽ ra đã được an nhàn vui vầy cùng con cháu thì bà Khuê vẫn cần mẫn tham gia các công tác xã hội địa phương. Bà tâm niệm “mình từng là cán bộ, phải gương mẫu chứ.”./.
Theo Xuân Mai (Vietnam+)

Những mẩu chuyện đầy xúc động và chân tình của Bác Hồ với phụ nữ




Đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về thăm Hà Nội
vui mừng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh (25-11-1965)
nhung nguyen tac va chuan muc 1            Suốt cuộc đời mình Bác luôn đứng về lẽ phải, đấu tranh bảo vệ cho những kiếp người cơ cực lầm than. Người đặc biệt quan tâm đến phụ nữ và trẻ em bởi theo Người đó là lớp người khổ nhất trong những người khổ cực. Như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:
Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người
            Trong những “kiếp người” lầm than đó Bác dành sự quan tâm đặc biệt cho phụ nữ. Bởi hơn ai hết Bác là người hiểu rõ rằng: Trong xã hội, người phụ nữ là người bị áp bức, chịu đau khổ và thiệt thòi nhiều nhất. Bác nhiều lần bày tỏ chính kiến trước công luận là phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến và đầu óc gia trưởng, tư tưởng trọng nam khinh nữ. Bác cũng chỉ rõ: “Luật lấy vợ lấy chồng nhằm giải phóng phụ nữ, tức là giải phóng phần nửa xã hội. Giải phóng người đàn bà”, “phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến”, tư tưởng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (Một nam là có, mười nữ như không) trong người đàn ông. Bác phê phán tình trạng chồng đánh vợ và khẳng định đây là tệ nạn về mặt đạo đức và vi phạm pháp luật: “Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm pháp”. Theo quan điểm của Bác, vấn đề giải phóng phụ nữ là một vấn đề xã hội to lớn, không phải chỉ là việc riêng của phụ nữ, mà là công việc quan trọng của Đảng, Nhà nước và đòi hỏi phải có sự tham gia của toàn xã hội, của tất cả mọi người. Việc giải phóng phụ nữ là phải tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội; Chỉ có đưa phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa… thì mới bảo đảm quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ. Muốn vậy phải tôn trọng phụ nữ, phải tính đến đặc thù của lao động nữ, phải thực hiện phân công sắp xếp lao động toàn xã hội, mở rộng các dịch vụ xã hội, tổ chức đời sống mới để phụ nữ có thời gian học tập và tham gia vào các hoạt động xã hội. Đảng và Chính phủ cần có những chủ trương chính sách phù hợp để phụ nữ tham gia vào các công việc của xã hội theo khả năng của họ. Song thực hiện bình đẳng giới, cũng không có nghĩa là “cào bằng” trong mọi việc, mà phải là, ngoài những cơ chế chính sách chung đối với người lao động, các cơ quan chức năng cần chú ý “quán triệt quan điểm giới” khi xây dựng chính sách, pháp luật đối với người lao động, nhằm bảo vệ sức khoẻ của phụ nữ, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em khỏi những lao động độc hại và phi đạo đức, đồng thời đảm bảo phân phối công bằng cho cả hai giới, khi cùng làm một công việc và cống hiến như nhau. Bác Hồ cũng khẳng định, sự nghiệp giải phóng phụ nữ phụ thuộc vào chính bản thân người phụ nữ. Người đánh giá cao vai trò của phụ nữ khi nhìn nhận họ là một lực lượng lao động đông đảo của xã hội, làm việc không thua kém nam giới. Phụ nữ có thể đảm nhận và hoàn thành tốt những công việc lớn của cách mạng, của nhân dân. Tuy nhiên, để phát huy vai trò của phụ nữ, Người yêu cầu: “Chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng phụ nữ mà tự mình phải tự cường đấu tranh”. “Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng xã hội chủ nghĩa. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ phải xóa bỏ tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường tự lập, phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”. “Phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu. Người phụ nữ phải tự khẳng định mình thông qua năng lực trình độ, thông qua sự hiểu biết và sự đóng góp của chính họ vào gia đình và xã hội. Từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao vị trí của người phụ nữ trong xã hội và thực hiện xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và tiến bộ. Và trên thực tế, đã không ít tài liệu ghi lại những mẩu chuyện của Bác Hồ với phụ nữ đầy xúc động và chân tình.
             Một lần, tới một Hội nghị, nhìn suốt dọc hội trường Bác hỏi: “Này các chú, phụ nữ đâu mà không thấy phụ nữ ngồi hàng đầu?” Rồi Bác lại hỏi tiếp: “Các cô gái có đấy không?” “Có ạ”. “Vậy mời lên đây ngồi. Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải bảo Đảng và Chính phủ hay nam giới mời lên ngồi mới ngồi mà phải tự đấu tranh phấn đấu giành lấy”. Đó chính là lời căn dặn của Bác với phụ nữ, bởi hơn ai hết Bác luôn quan tâm và giành nhiều tình cảm cho lớp người đã chịu nhiều lầm than này.
            Một câu chuyện kể rằng vào tháng 1 năm 1963, trong phiên họp của Bộ Chính trị để bàn về những vấn đề quan trọng của cách mạng, Người đã đọc một bức thư của một phụ nữ trong cuộc họp này, đó là bức thư một nữ cán bộ cách mạng ở Vĩnh Phúc bị chồng đối xử đánh đập tàn tệ mà không được chính quyền đoàn thể can thiệp, cán bộ đảng viên thì lẩn tránh. Bác xem đó là tội ác, là tàn dư còn lại tồi tệ nhất của chế độ cũ và yêu cầu cuộc họp ưu tiên giải quyết trường hợp này trước.
            Có lần tại một Hội nghị cấp huyện, Bác hỏi: Ở đây có Hải Phòng không? Có ạ!. Hợp tác xã các chú làm thế nào mà phải sang Hợp tác xã khác mượn lợn để lừa dối cấp trên? Có không? Có ạ. Vậy không nên làm như thế nữa”. Lúc đó, gần Tết, Bác kêu gọi tiết kiệm. Bác nói: Các chú phải có văn hóa không được đánh vần chữ "tiết kiệm" thành "tiết canh". Phụ nữ người ta làm Chủ nhiệm đâu có đánh chén. Chủ nhiệm phụ nữ thật thà, phải đưa nhiều phụ nữ tham gia làm Chủ nhiệm"… Thế mới thấy được Bác rất coi trọng vai trò của phụ nữ Việt Nam. Thế nên khi đi thăm các nước, Bác thường nói với phụ nữ các nước đó: Phụ nữ Việt Nam làm được nhiều việc cho đất nước, phụ nữ Việt Nam thay thế nam giới thực hiện phục vụ cho chiến đấu, sản xuất. Đặc biệt, khi làm Chủ nhiệm Hợp tác xã, phụ nữ làm tốt hơn nam giới, cần cù hơn, không lãng phí, không đánh chén.
Một lần đến thăm một đơn vị nữ Thanh niên xung phong, Bác nghe báo cáo, đi xuống tận đơn vị sản xuất rồi góp ý với lãnh đạo đơn vị: “Đi chặt gỗ, việc ấy nặng nhọc, lúc hăng các cháu làm được hết; hay đi đắp đường, chỗ núi non khó khăn, các cháu cũng làm được. Nhưng lãnh đạo không nên để các cháu làm những việc như thế…phân phối công tác cho phụ nữ phải thích hợp...”. Lần ấy, các nữ Thanh niên xung phong đã rơi nước mắt trước nỗi lo toan rất đời thường của vị Chủ tịch nước.
Ngày lễ 2/9/1949, Bác đến thăm chị em cán bộ, nhân viên Văn phòng Trung ương Đảng tại chiến khu Việt Bắc. Người bước vào hội trường, ngồi xuống trước rồi bảo mọi người ngồi xuống theo. Các cán bộ nhanh chân đến trước vây quanh Chủ tịch. Các chị các cô vì có cháu nhỏ đi theo không chen kịp, đành ngồi phía sau hội trường, dù rất muốn được gần Bác.
Khi được báo cáo anh chị em đã đến đủ, Bác nhìn quanh nhận ra ngay điều bất hợp lý, liền nói:
- Để ổn định trật tự cho buổi “diễn thuyết” được thành công, các cô các chú phải ngồi đúng vị trí của mình. Riêng “diễn giả” được phép thay đổi chỗ.
Người đứng dậy đi đến cuối hội trường, hô:
- Đằng sau, quay!
Ngày ấy hội trường gồm toàn những ghế băng. Thế là các chị, các cô, các cháu nhỏ chỉ cần quay lại là được gần Bác nhất.
Chính sự quan tâm ngay cả những điều tưởng như nhỏ nhặt trong cuộc sống, đã làm cho hình ảnh của Người vốn đã vĩ đại càng trở thành bất tử.
 Bác Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác kể lại rằng: "Vào tháng 5 năm 1968, Bác Hồ đọc lại bản Di chúc và thấy cần phải viết thêm mấy điểm về phụ nữ". Thế rồi, trong bản Di chúc Bác viết: "Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ". Đó là những lời chân tình, chứa chan tình cảm và cũng là sự nhắc nhở, huấn thị của Bác với phụ nữ trước khi đi xa.
        Bác không có gia đình riêng, nhưng Người hiểu và thông cảm sâu sắc với người phụ nữ làm bổn phận người vợ, người mẹ trong gia đình, người lao động của xã hội. Trong cuộc sống gia đình, người phụ nữ phải lo bộn bề công việc "không tên" nhưng chính nó lại tạo nên của cải tinh thần vô cùng to lớn, đó là không khí gia đình, là tổ ấm của mỗi người Việt Nam.
        Sự quan tâm của Bác Hồ với phụ nữ Việt Nam thật nhân ái bao la. Bác từng viết: "Ông Các Mác nói rằng: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi ( Đường Kách Mệnh). Đối với Bác, tầng lớp phụ nữ luôn có vị trí quan trọng trong cuộc cách mạng chung của dân tộc và hoàn toàn có thể tự hào mà ngẩng cao đầu trước các đấng mày râu. Và quả thật vây, nhìn lại những chặng đường đã đi qua, những anh hùng lao động, những chiến sỹ thi đua, những tấm huân chương, những giải thưởng khoa học là bằng chứng ghi nhận công lao đóng góp của chị em phụ nữ, dấu ấn ghi đậm truyền thống phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang. Chị em phụ nữ hôm qua, hôm nay và ngày mai sẽ viết tiếp những truyền thống hào hùng đó, sẽ làm rạng danh dân tộc Việt Nam để thoả ước nguyện của Người trước lúc đi xa.

Cẩm Chương (Ghi theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ)

Bình sinh, Bác Hồ là người luôn quan tâm đến phụ nữ và phong trào phụ nữ. Nhân kỷ niệm 110 nǎm ngày sinh của Người, phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam đã tới gặp bác Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác Hồ nǎm nay đã trên 80 tuổi. Để ghi lại những mẩu chuyện về Bác Hồ với phụ nữ, Bác Hồ với vấn đề phê bình và tự phê bình, vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng.

"Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải bảo Đảng và Chính phủ hay nam giới giải quyết mà phải tự đấu tranh phấn đấu giành lấy".

Thường hay được đi với Bác, đến đâu tôi cũng thấy Bác quan tâm hỏi về phụ nữ. Một lần, tới một hội nghị, nhìn suốt dọc hội trường Bác hỏi: "Này các chú, phụ nữ đâu mà không thấy phụ nữ ngồi hàng đầu?" Rồi Bác lại hỏi tiếp "Các cô gái có đấy không? Có ạ. "Vậy mời lên đây ngồi. Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải bảo Đảng và Chính phủ hay nam giới mời lên ngồi mới ngồi mà phải tự đấu tranh phấn đấu giành lấy". Đó chính là lời cǎn dặn cũng như mong muốn của Bác Hồ đối với phụ nữ bởi đối với phụ nữ bao giờ Bác Hồ cũng dành sự quan tâm nhiều nhất. Thường khi đi tới đâu hoặc làm việc gì Bác Hồ cũng nói đến phụ nữ và phong trào phụ nữ. Bác thường nhắc: lực lượng phụ nữ không nhỏ, có khi số lượng còn đông hơn nam giới vì thế khi giải quyết việc gì trong dân, điều quan trọng là phải làm như thế nào đối với phụ nữ. ở Việt Nam, châu á, châu Phi, sự bất bình đẳng giữa nam và nữ rất rõ rệt. Phụ nữ Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt hai lần bị bóc lột: Đế quốc và ý thức hệ phong kiến với "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" đã đè nặng lên người phụ nữ.

Bác Hồ luôn nhấn mạnh như vậy. Vì thế mọi đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ bao giờ cũng chú ý đến phụ nữ. Trong di chúc của Bác Hồ cũng có những đoạn riêng viết về phụ nữ: "Tháng 5-1968, khi tôi xem lại thư này, tôi thấy cần viết thêm mấy điểm. Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách nhiều công việc kể cả lãnh đạo. Phụ nữ phải phấn đấu vươn lên, đây là một cuộc cách mạng".

Thẳng thắn phê bình nhưng vẫn giữ tình đồng chí thương yêu

Bác nhắc đến phụ nữ thường nhắc đền quyền bình đẳng vì vậy hiện nay nếu Bác còn, ngay trong cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, chắc Bác cũng sẽ đặt ra: Giới phụ nữ sẽ phải làm gì? Trách nhiệm ra sao? Bác chú ý đến quyền lợi song cũng chú ý đến trách nhiệm của phụ nữ vì vậy phụ nữ cũng nên tìm lấy cái gì trong cuộc vận động này và nên làm thế nào cho tốt. Khi đi thǎm các nước, Bác thường nói với phụ nữ các nước đó: Phụ nữ Việt Nam làm được nhiều việc cho đất nước, phụ nữ Việt Nam thay thế nam giới thực hiện phục vụ cho chiến đấu, sản xuất. Đặc biệt, khi làm chủ nhiệm hợp tác xã (HTX), phụ nữ làm tốt hơn nam giới, cần cù hơn, không lãng phí, không đánh chén. Có lần tại một hội nghị cấp huyện Bác hỏi: ở đây có Hải Phòng không? Có ạ. Hợp tác xã các chú làm thế nào mà phải sang HTX khác mượn lợn để lừa dối cấp trên? Có không? Có ạ. Vậy không nên làm như thế nữa. Lúc đó, gần tết, Bác hô hào kêu gọi tiết kiệm. Bác nói: "Các chú phải có vǎn hóa không được đánh vần chữ "tiết kiệm" thành "tiết canh". Phụ nữ người ta làm chủ nhiệm đâu có đánh chén. Chủ nhiệm phụ nữ thật thà, phải đưa nhiều phụ nữ tham gia làm chủ nhiệm. Lúc nào, ở đâu, Bác cũng nhắc, liên hệ đến phụ nữ. Vì vậy trong cuộc vận động này, phụ nữ phải tham gia thúc đẩy làm tốt. Trong di chúc Bác Hồ đã viết: "Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là phải chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi Đảng viên, mỗi Đoàn viên; mỗi Chi bộ...". Hiện nay, Đảng ta thực hiện xây dựng chỉnh đốn Đảng là thực hiện di chúc của Bác. Tôi tin phụ nữ cũng sẽ là lực lượng tiên phong thực hiện. Muốn chỉnh đốn Đảng tốt là phải phê bình và tự phê bình. Một lần được ǎn cơm với Bác, tôi có hỏi: Thưa Bác không hiểu tại sao cháu ở với Bác lâu, Bác chưa hề cáu gắt mà cháu lại hay cáu gắt với anh em. Bác trả lời luôn: "Chú ở với Bác lâu, Bác cũng ở với chú lâu nhưng có bao giờ thấy chú gắt với Bác đâu. Sở dĩ chú cáu gắt là vì chú chưa tôn trọng đầy đủ với anh em".

Đúng là tôi chưa dám cáu gắt với cấp trên bao giờ. Sau đó Bác còn nói thêm: Chú thấy bánh ga tô có ngon không. Dạ rất ngon: Thế mà Bác thấy chú ǎn no, Bác mới mang ra, chú có thấy ngon không? Dạ bớt ngon. Nếu Bác nhét vào mồm chú, chú còn thấy ngon không? Dạ hết ngon. Phê bình cũng vậy, phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách thì mới giải quyết được. Bản thân Bác trong lúc làm việc cũng rất lắng nghe, chấp nhận sự góp ý của mọi cộng sự. Cụ thể có lần (nǎm 1968), Ban Tuyên huấn chuẩn bị cho Bác bài báo viết về việc nâng cao đạo đức cách mạng chống chủ nghĩa cá nhân để đǎng trong dịp kỷ niệm. Sau nhiều lần Bác sửa, đến khi chuẩn bị in có ý kiến đề nghị Bác đảo lại tít bài "Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng" vì Đảng viên nói chung là tốt, Bác chấp nhận đảo lại tiêu đề mặc dù Bác vẫn hỏi: ở nhà vợ con các chú mua tủ mới, trước khi kê vào phải quét dọn phòng vậy phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì đạo đức cách mạng mới đến được chứ. Điều này nếu mang áp dụng vào cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng thật là đúng bởi mỗi Đảng viên phải gạt bỏ được cá nhân của mình thì mới có thể tiến bộ được. Bác nói phải phê và tự phê bình song vẫn khẳng định "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta" và nǎm 1966 Bác còn viết thêm trong di chúc: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" - về việc này phụ nữ thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, Bác cũng nói: phụ nữ ta thường tự ti, có thói quen rụt rè không dám đấu tranh. Phụ nữ là đảng viên cũng mang thói quen đó vào. Bởi thế, trong cuộc vận động này, phụ nữ phải cố gắng để xứng đáng với sự quan tâm, tin yêu mà Bác đã dành cho.

Chúng ta biết Bác là người sáng lập Đảng, rèn luyện Đảng nên vững mạnh. Bác nhắc: "Toàn tâm toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ Tổ quốc thì Đảng mới lãnh đạo được, dân mới noi theo. Người dân có câu: "Đảng viên đi trước làng nước theo sau" là như vậy. Nǎm nay là nǎm 2000, là nǎm chúng ta kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh của Người càng nhớ về Người càng phải cố gắng làm theo lời Người dặn, cố gắng làm theo cách Người làm.
Báo Phụ nữ Việt Nam, ngày 15/5/2000

Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc"



Năm 1947, giữa lúc phải tập trung chuẩn bị chiến dịch Thu Đông, nhằm đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc.
Cuốn sách có 6 phần: Phê bình và sửa chữa; Mấy điều kinh nghiệm; Tư cách và đạo đức cách mạng; Vấn đề cán bộ; Cách lãnh đạo; Chống thói ba hoa. Cuốn sách đã chỉ dẫn, động viên sức mạnh của Đảng, của dân tộc, của quân, dân ta góp phần đưa cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện giành thắng lợi vẻ vang. Ngày nay, thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", yêu cầu “làm theo" trở thành cấp thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên, với tất cả các cơ quan, đơn vị, cuốn “Sửa đổi lối làm việc” càng trở nên cần thiết.
Tìm hiểu, nghiên cứu tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, làm theo những điều chỉ dẫn của Người trong mỗi câu, mỗi ý của tác phẩm này là việc làm rất bổ ích, thiết thực hiện nay. Mỗi câu, mỗi ý nói lên những việc cụ thể cần làm và nên làm như thế nào để công tác của mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị hoàn thành, đi đến thắng lợi. Với cách viết ngắn gọn, xúc tích, mỗi trang, mỗi dòng đều toát lên sự chân tình, thẳng thắn, gần gũi, ai cũng học được, làm theo được. Đây là cuốn sách giáo khoa có nội dung sâu sắc, toàn diện về giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ cách mạng của Đảng, của Nhà nước ta. Xin giới thiệu nội dung cơ bản của tác phẩm.
I. Phê bình và sửa chữa:
Người nêu mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phê bình và tự phê bình. Phải mau phê bình và sửa chữa để khắc phục khuyết điểm, vì "có tẩy sạch khuyết điểm, công việc mới có tiến bộ". Người chỉ ra những căn bệnh mà mỗi cán bộ, đảng viên phải khắc phục, sửa chữa (chủ quan, hẹp hòi, ba hoa…). Người chỉ ra cách phê bình: “phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm… Chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người".
Bệnh chủ quan là chứng bệnh kém lý luận hoặc lý luận suông. “Vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Kết quả thường thất bại…". Vì vậy, “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông".
Bệnh hẹp hòi "rất nguy hiểm… trong thì ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết; ngoài thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân. Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa, v.v… đều do bệnh hẹp hòi mà ra!". Đó là những cán bộ chỉ thấy lợi ích bộ phận của mình, không thấy lợi ích của toàn thể. Vì ham danh vọng và địa vị cho nên khi phụ trách một bộ phận nào, thì lôi người này, kéo người khác, ưa thì kéo vào, không ưa thì tìm cách bẩy ra…".
Người nhấn mạnh "Để chữa khỏi những bệnh kia, ta phải tự phê bình ráo riết và phải lấy lòng nhân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó phải đi đôi với nhau… Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”.
II. Mấy điều kinh nghiệm:
Hồ Chí Minh đã khái quát một số kinh nghiệm quan trọng, phân tích nội dung, dẫn chứng thực tế trong hoạt động phong phú của cán bộ, đảng viên và nhân dân qua các phong trào ở các địa phương, đơn vị.
1. Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong, Người chỉ ra nguyên lý: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
2. Có chính sách đúng, phải có cách 1àm đúng, phù hợp tình hình, yêu cầu thực tế mới đạt kết quả. Phải làm “kiểu mẫu” để rút kinh nghiệm, không làm tràn lan, chủ quan, tham làm nhanh, “tham làm nhiều trong một lúc”.
3. Phải nghiên cứu, rút kinh nghiệm công việc đã làm một cách tường tận, gốc rễ; tỉ mỉ, cẩn thận, toàn diện trước khi thực hiện công tác mới.
4. Phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái, tính sáng tạo, dân chủ trong công tác của cán bộ, đảng viên. Dân chủ, hăng hái, sáng kiến luôn gắn chặt với nhau, vì “có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc thì những khuyết điểm lặt vặt cũng tự sửa chữa được nhiều”.
5. Phải xác định trách nhiệm trước công tác, nhiệm vụ được giao. Khi thực hiện bất kỳ nhiệm vụ gì cũng phải trả lời câu hỏi “Vì ai mà làm? Đối với ai phụ trách?". Phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, luôn vì lợi ích của nhân dân, vận động nhân dân tham gia công tác "tìm đủ cách giải thích cho dân hiểu”, không “làm theo cách hạ lệnh, cách cưỡng bức".
6. Phải sâu sát quần chúng, hợp quần chúng. Tránh bệnh hình thức, xa rời nhân dân. Thực hiện phương châm “Từ trong quần chúng mà ra, trở lại nơi quần chúng”. Mọi việc làm phải hợp với trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định ra cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng”.
III. Tư cách và đạo đức cách mạng:
1. Tư cách của Đảng chân chính cách mạng.
Hồ Chí Minh đã nêu lên 12 tiêu chí của một Đảng cách mạng chân chính, bao gồm: Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng; Hiểu biết lý luận cách mạng gắn với thực hành; Liên hợp chặt chẽ với quần chúng; Nêu cao tính cách mạng và "lại phải khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát”; Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình; Đảng phải chọn những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo; Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài; Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới; Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành như thế nào. Người đã khẳng định bằng hai câu thơ lục bát: “Muốn cho Đảng được vững bền, Mười hai điều đó chớ quên điều nào".
2. Phận sự của đảng viên và cán bộ.
Người cán bộ, đảng viên phải “Trọng lợi ích của Đảng hơn hết… vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là "tính Đảng".
          Đảng viên và cán bộ phải có “đạo đức cách mạng". Người khái quát và đi sâu phân tích năm chữ Nhân, Nghĩa, Chí, Dũng, Liêm.
- “Nhân” là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào.
- “Nghĩa” là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng…
- “Trí” vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng…
- ”Dũng” là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ, khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại vinh hoa, phú quý không chính đáng.
- “Liêm” là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình… Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ….
Người cán bộ, đảng viên "phải giữ kỷ luật". Kỷ luật của Đảng là kỷ luật tự giác. “Không ai bắt buộc ai vào Đảng làm chiến sĩ tiên phong. Mà đó là tự giác, lòng hăng hái của mỗi người mà tình nguyện làm đảng viên”.
Đối với những người không chịu nổi khó nhọc, không chịu nổi kỷ luật nghiêm khắc của Đảng mà xin ra khỏi Đảng thì Đảng vẫn bằng lòng để họ ra. Đảng chỉ yêu cầu họ một điều là: họ thề không lộ bí mật của Đảng, không phản Đảng, không phá hoại Đảng. Như thế thì Đảng vẫn giữ cảm tình thân thiện với họ".
Phải khắc phục “những khuyết điểm, sai lầm”. Đó là “bệnh tham lam”, “Bệnh lười biếng", "bệnh kiêu ngạo", “bệnh hiếu danh", "thiếu kỷ luật”, “óc hẹp hòi", “óc địa phương", “óc lãnh tụ”, “bệnh hữu danh vô thực", "bệnh kéo bè, kéo cánh", “bệnh cận thị", “bệnh cá nhân”, “bệnh tị nạnh", “bệnh xu nịnh, a dua”. Người nhắc nhở về bệnh sợ tự phê bình. Người đã nói rất khảng khái": “… Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Phải bình tĩnh tìm ra nguyên nhân sai lầm và cách sửa chữa khuyết điểm. Hồ Chí Minh chỉ rõ "Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa v v… Những thói xấu đó, họ mang từ xã hội vào Đảng". Người phê phán thái độ đối với người có khuyết điểm, sai lầm như đối với hổ mang, thuồng luồng… đòi đuổi ra khỏi Đảng ngay…, làm cho họ chán nản, thất vọng. Hoặc họ không làm gì nữa hết. Thậm chí họ bỏ Đảng. Đó là thái độ những người máy móc quá. Đó cũng là bệnh chủ quan”.
3. Tư cách và bổn phận của đảng viên.
Hồ Chí Minh viết về tiêu chuẩn người đảng viên, thể thức giới thiệu, kết nạp người vào Đảng, rèn luyện, giáo dục đảng viên mới. Người chỉ rõ bổn phận của người đảng viên là "Suốt đời tranh đấu cho dân tộc, cho Tổ quốc; đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết, lên trước hết; hết sức giữ kỷ luật và giữ bí mật của Đảng; kiên quyết thi hành những nghị quyết của Đảng; cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc; cố gắng học tập chính trị, quân sự, văn hóa. Phải gần gũi quần chúng, học hỏi quần chúng, cũng như phải lãnh đạo quần chúng”.
4. Phải rèn luyện tính đảng.
Hồ Chí Minh khẳng định: "Mỗi cán bộ, đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên”. Tính đảng là: “Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn; lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau. Đảng phải nghiêm ngặt kiểm tra, các địa phương phải kiên quyết thực hành những nghị quyết của Đảng. Nơi nào sai lầm, ai sai lầm, thì lập tức sửa chữa. Kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, chống thói “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng". Phải kiên quyết thực hành kỷ luật. Phải đòi hỏi mỗi đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ, phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình".
IV. Vấn đề cán bộ:
Với tư duy biện chứng, cách nhìn toàn diện, Hồ Chí Minh đã xác định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
“Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Người chỉ ra những hạn chế trong công tác huấn luyện cán bộ, nêu lên nội dung huấn luyện cần tập trung: “Huấn luyện nghề nghiệp, Huấn luyện chính trị, Huấn luyện văn hóa; Huấn luyện lý luận. Học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế. Nên chia ra khoa học chính trị, khoa học kinh tế, khoa học lịch sử… tổ chức từng ban cao cấp hoặc trung cấp… Vô luận công tác môn nào, lớp huấn luyện nào, đều phải tuyệt đối chống bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa".
Xuất phát từ luận đề "Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” Hồ Chí Minh đã xác định “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Vấn đề cán bộ là vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp, Đảng phải làm như thế nào? Người đã nêu lên 6 việc phải làm: Phải biết rõ cán bộ; phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng; phải khéo dùng cán bộ; phải phân phối cán bộ cho đúng; phải giúp cán bộ cho đúng; phải giữ gìn cán bộ.
          Lựa chọn cán bộ có 4 tiêu chí:
a. Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh.
b. Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế, thì dân chúng mới tin cậy cán bộ đó là người lãnh đạo của họ.
c. Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo…
d. Những người luôn giữ đúng kỷ luật.
     Có 5 cách đối với cán bộ:
a. Chỉ đạo - Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ.
b. Nâng cao - Luôn luôn tìm cách cho họ học thêm lý luận và cách làm việc, làm cho tư tưởng, năng lực của họ ngày càng tiến bộ.
c. Kiểm tra - Không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm.
d. Cải tạo - Khi họ sai lầm thì dùng cách “thuyết phục" giúp cho họ sửa chữa. Không phải một sai lầm to lớn, mà đã vội cho họ là “cơ hội chủ nghĩa đã cảnh cáo", đã “tạm khai trừ". Những cách quá đáng như thế đều không đúng.
đ. Giúp đỡ - Phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc.
          Cần chú ý mấy việc: “Hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ, phê bình cán bộ".
a. Hiểu biết cán bộ: Cần biết những chứng bệnh người ta hay sai phạm để hiểu cán bộ: Tự cao, tự đại; ưa người ta nịnh mình; Do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người; Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lấp vào tất cả mọi người khác nhau. Hồ Chí Minh đã nêu phương pháp:
- Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng. Xem xét cán bộ không chỉ xem xét ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ.
b. Khéo dùng cán bộ. Cần tránh những chứng bệnh:
- Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài.
- Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực.
- Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình.
- Cách dùng cán bộ đúng là phải có lòng độ lượng vĩ đại, chí công vô tư, không có thành kiến mới không bỏ rơi cán bộ. Phải có tinh thần rộng rãi, gần gũi người mình không ưa. Phải chịu khó dạy bảo, nâng đỡ người kém. Phải sáng suốt, tránh bị bọn “vu vơ" bao vây, xa cách cán bộ tốt. Phải có thái độ vui vẻ, thân mật để gần gũi đồng chí.
- Phải thực hành những công việc cụ thể: Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc; không nên tự tôn, tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới”.
c. Phải có gan cất nhắc cán bộ - "Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy… Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, với nhân dân… Biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực”.
d. Yêu thương cán bộ - Trong lúc tranh đấu, rất dễ mất một người cán bộ. Vì vậy, Đảng phải yêu thương cán bộ. Nhưng thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc. Thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm”.
đ. Đối với những cán bộ sai lầm - Hồ Chí Minh đã cắt nghĩa rất biện chứng và thấu tình "Trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm là vì không hiểu, không biết. Vì vậy, đối với cán bộ bị sai lầm, ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế, sẽ có hại đến công việc như thế nào? Làm thế nào mà sửa chữa? Tóm lại, phải phê bình cho đúng”. Người đã nêu lên rất thẳng thắn “Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm".
V. Cách lãnh đạo:
Hồ Chí Minh đã “chỉ vẽ” rất cụ thể cách thức và nội dung công việc của người cán bộ.
1. Lãnh đạo và kiểm soát:
Lãnh đạo đúng nghĩa là.
- Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng.
- Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong.
- Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được…
- Chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo… Phải chú ý với những người “công thần cách mạng”, “những người nói suông”. Chống bệnh quan liêu, bàn giấy.
- Vì ba điều mà cần phải có kiểm soát: 1. Có kiểm soát như thế mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu. 2. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan. 3. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết. Kiểm soát có hai cách: từ trên xuống và từ dưới lên.
2. Lãnh đạo thế nào?
- Có hai cách lãnh đạo: Một là liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng; Hai là liên hợp người lãnh đạo với quần chúng. Bất kỳ việc gì, nếu không có chính sách chung, kêu gọi chung, không thể động viên khắp quần chúng… Bất kỳ việc gì (thí dụ việc chỉnh đốn Đảng), người lãnh đạo phải có một số người hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo. Nhóm trung kiên này phải mật thiết liên hệ với quần chúng, công việc mới thành.
- Vì vậy, bất kỳ cơ quan nào, bộ đội nào, cũng cần phải chọn một nhóm người hăng hái, trung thành, có năng lực, giữ kỷ luật, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo. Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng".
3. Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng.
- Hồ Chí Minh xác định "Dân chúng rất khôn khéo, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng. Mỗi khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng".
- Phải tránh cách làm việc quan liêu, mệnh lệnh, ép buộc dân chúng. Phải “làm theo cách của quần chúng". Phải thực hành theo nguyên tắc:
- Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng.
- Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết.
- Chớ khư khư giữ theo "sáo cũ”. Luôn luôn phải theo tình hình thiết thực của dân chúng nơi đó và lúc đó, theo trình độ giác ngộ của dân chúng, theo sự tình nguyện của dân chúng mà tổ chức họ, tùy hoàn cảnh thiết thực nơi đó và lúc đó, đưa ra tranh đấu.
- Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng. "Phải đưa chính trị vào giữa dân gian". Trước kia, việc gì cũng từ “trên dội xuống". Từ nay việc gì cũng phải từ “dưới nhoi lên".
VI. Chống thói ba hoa:
Bệnh ba hoa là “bạn đường" của bệnh chủ quan và bệnh hẹp hòi. “Vì thói ba hoa còn, tức là bệnh chủ quan và bệnh hẹp hòi cũng chưa khỏi hẳn".
1. Thói ba hoa là gì?
          Người đã chỉ ra biểu hiện của thói ba hoa.
a. Dài dòng, rỗng tuếch. Nói dài, viết dài mà không có nội dung.
b. Có thói "cầu kỳ". Là cách “dùng từng đống danh từ lạ, nói hoặc viết theo cách Tây" quần chúng không hiểu.
c. Khó khăn, lúng túng. Không chịu học tập, thiếu chuẩn bị, khi nói, khi viết quần chúng không hiểu.
d. Báo cáo lông bông. Báo cáo giả dối. Thành công ít, thì suýt ra nhiều. Còn khuyết điểm thì giấu đi… Hoặc là báo cáo chậm trễ. Không nêu rõ nội dung, vấn đề một cách rõ ràng, có hệ thống.
đ. Lụp chụp, cẩu thả. Phải tránh bệnh này bằng cách: “Không biết rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”.
e. Bệnh theo "sáo cũ". Do làm việc thiếu chuẩn bị, nội dung mênh mông, không thiết thực, công thức máy móc, nói, viết những từ hoa mỹ, quần chúng không hiểu, không đem lại kết quả.
g. Nói không ai hiểu. Nội dung tuyên truyền, khẩu hiệu của Đảng “viết một cách cao xa, màu mè, đến nỗi chẳng những quần chúng không hiểu, mà cả cán bộ cũng không hiểu”.
h. Bệnh hay nói chữ. Là bệnh ham dùng chữ nước ngoài nhưng không biết rõ nghĩa, "dùng không đúng mà cũng ham dùng, cái hại càng to”.
2. Cách chữa thói ba hoa.
2.1. Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách.
2.2. Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu.
2.3. Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm làm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?
2.4. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết.
2.5. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: “Chó ba khoanh mới nằm. Người ba năm mới nói".
                                                                                                                                       
Những đoạn trong ngoặc kép ở bài này đều trích trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc in trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXBCTQG, H.2002, tr.231-236.