Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

CẢM NHẬN TỪ VIỆC HỌC VÀ LÀM THEO BÁC...


“Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

Tôi cứ nhớ mãi hai câu thơ ấy ngay từ những ngày đầu cấp sách đến trường cho đến tận bây giờ… Bác Hồ - người Việt Nam đẹp nhất! Non sông ta, đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch và cũng chính Người lại làm rạng rỡ non sông ta, đất nước ta…
Hồ Chí Minh là sự hội tụ của tinh hoa đông tây kim cổ, cuộc đời và sự nghiệp của Người là bản thiên anh hùng ca bất hủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã đi xa, nhưng để lại cho chúng ta di sản tinh thần to lớn, những tư tưởng vô giá, những giá trị nhân văn cao cả, trong đó đặc biệt là tư tưởng đạo đức cách mạng. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương sáng ngời cho toàn Đảng, toàn dân ta nguyện phấn đấu suốt đời học tập và noi theo.

Nói tới Hồ Chí Minh là chúng ta không thể không nhắc tới nhân cách và lối sống vô cùng giản dị, thanh cao ở Người. Và cũng chính sự giản dị ấy đã tạo nên một nhân cách lớn: Một danh nhân văn hoá kiệt xuất của thế giới, một sự nghiệp, một dân tộc, một thời đại… Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch được người đời lưu truyền như một huyền thoại, nhưng đó lại là một huyền thoại sống động và có thật. Hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài, đi khắp bốn phương trời Á, Âu, Phi, Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một kiến trúc sư vĩ đại tìm ra hình hài của một nước Việt Nam mới, tạo dựng lên một dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ 20.
Từ chỗ là một dân tộc thuộc địa không có tên trên bản đồ thế giới, dân tộc Việt Nam đã vươn mình đứng dậy như Phù Đổng Thiên Vương, đập tan xiềng xích nô lệ bằng cuộc cách mạng tháng Tám long trời lở đất, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cả thế giới biết đến Việt Nam, biết đến Hồ Chí Minh bởi:

“Chín năm là một Điện Biên;
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng"

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 7-11-2006 của Bộ Chính trị khóa X đã một lần nữa giúp tôi hiểu thêm nhiều hơn về Bác. Gia đình, hai tiếng gia đình nghe sao mà đơn giản, nhưng nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người chúng ta. Cây có cội, nước có nguồn, đó là lẽ bình thường của quy luật tự nhiên. Bác của chúng ta mồ côi mẹ từ năm lên 9 tuổi, mười năm sau giã biệt cha già, ra đi tìm đường cứu nước. Anh mất rồi chị mất, đều không có điều kiện chăm lo. Cũng như mọi người, Bác Hồ của chúng ta rất quý trọng tình cảm gia đình, cơ sở bền vững của lòng yêu nước, thương dân. Ở Bác, những tình cảm lớn, dù sâu sắc, mênh mông đến đâu cũng không bao giờ che khuất hay át được những tình cảm riêng tư. Bác Hồ của chúng ta cũng phải gắng gỏi để vượt lên trên những phút cô đơn trống vắng.

Xem quyển sách “Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Nhà xuất bản chính trị quốc gia, xuất bản năm 2007, tôi cảm nhận được rằng mỗi một câu chuyện về Bác đều mang một ý nghĩa sâu sắc đối với tất cả chúng ta, từ các em nhỏ đến các cụ già, từ nhân dân Việt Nam đến bạn bè năm châu trên thế giới. Đặc biệt là đối với lực lượng thanh niên chúng tôi ngày nay. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến thanh niên. Bởi theo Người, thanh niên không chỉ là một lực lượng đông đảo, thanh niên còn là những thế hệ kế tục tiếp nối sự nghiệp cách mạng của cha ông, những người sẽ quyết định vận mệnh tương lai của nước nhà. Đất nước thịnh hay suy, yếu hay mạnh phần lớn phụ thuộc vào thanh niên. Với quan điểm đó ngay từ những tháng năm đầu tiên của cuộc đấu tranh gian khổ để giành độc lập cho dân tộc, Hồ Chí Minh đã trực tiếp bồi dưỡng đào tạo nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước, sau này họ đã trở thành những cán bộ, chiến sỹ cách mạng ưu tú của Đảng và Nhà nước ta. Với những thanh niên Việt Nam yêu nước tại lớp Huấn luyện chính trị Quảng Châu, khi giảng về Tư cách người cách mệnh, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại. Chịu khó. Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật”. Trước lúc đi xa Người để lại muôn vàn tình thương yêu cho đồng bào chiến sĩ cả nước, Người còn căn dặn: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt... Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa kế xây dựng CNXH vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết". Theo Người, “Tự mình phải; Đối người phải; Làm việc phải” đó là vấn đề tư cách đạo đức cách mạng mà người cán bộ, đảng viên nhất định phải có. Những phẩm chất này là đòi hỏi nghiêm khắc đối với người cán bộ cách mạng, giúp họ có sức hấp dẫn, quy tụ, lôi cuốn được quần chúng, nhằm hoàn thành những nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.

Quả thật là, Hồ Chí Minh đã trở nên bất tử trong trái tim nhân loại. Cuộc đời và sự nghiệp của Người trải qua bao gian khổ hy sinh, vô cùng sôi nổi và phong phú, vô cùng cao thượng và đẹp đẽ cho ta cảm nhận một hiện thực sống động và cảm động về con người Việt Nam đẹp nhất với sự hài hòa Chân, Thiện, Mỹ.

“Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”

Đã hơn một phần tư thế kỷ từ khi Người đi về cõi vĩnh hằng… Đó là khoảng thời gian đủ cho sự sinh thành và lớn lên của một thế hệ. Lớp trẻ hiện nay như tôi, như các bạn chưa một lần có cơ hội gặp Bác và mãi mãi không bao giờ có cơ hội nghe giọng nói của Người. Thế nhưng, qua lời kể của bà, của thầy cô, của những bậc lão thành đi trước và của cả lịch sử dân tộc Việt Nam, tôi hiểu được một chân lý: nếu không có Bác Hồ kính yêu sẽ không có một Việt Nam độc lập, không có một Việt Nam đang từng ngày hội nhập và phát triển cùng nhân loại. Những mẫu chuyện về tấm gương đạo đức vĩ đại của Bác ngày qua ngày được truyền tụng, được kể lại như những bài học về cách làm người, về chữ tài, chữ đức trong cuộc sống mọi thời đại. Mỗi khi nghe kể, được biết đến hơn bao giờ hết, tôi thấy yêu, thấy kính và thương vô ngần vị Chủ tịch Nước vĩ đại mà giản dị, gần gũi biết bao.

Tôi sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước không còn chiến tranh, chưa một lần được gặp Bác… Ký ức tuổi thơ tôi là những lâu đài cổ tích, là cánh đồng xanh thẳng cánh cò bay, là một Việt Nam tươi đẹp, thanh bình. Dòng máu đỏ da vàng mà tôi mang vẫn chảy đều trong huyết mạch, tôi tự hào về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, nơi của những câu chuyện đấu tranh hào hùng chống lại ngoại xâm, nơi có Bác Hồ - Người một đời bôn ba vì độc lập, tự do của dân tộc. Người một đời giản dị, cần mẫn, hy sinh vì Tổ quốc, cho muôn thế hệ sau. Những câu chuyện về Bác càng thôi thúc tôi nhìn lại mình trong suốt quá trình sống, học tập và lao động trong khoảng thời gian đã qua.
Rời ghế nhà trường với ước mơ, hoài bão của tuổi thanh niên, tôi đã chọn công việc của một cán bộ Đoàn để góp phần xây dựng làng, xã. Tôi đã từng đạt được nhiều thành tích nổi bật từ xã, huyện đến thành phố và cấp trung ương với những danh hiệu “Thủ lĩnh thanh niên tiêu biểu thành phố”, “Thủ lĩnh thanh niên tiêu biểu 7 tỉnh miền Đông Nam Bộ”, “Cán bộ Đoàn xuất sắc toàn quốc”… Và… Tôi cũng đã có những lúc tự cao, kiêu ngạo với những điều mình đã đạt được. Về công tác tại Huyện Đoàn từ năm 2004, cùng với thành tích đã đạt được trước đó và những đóng góp tích cực của mình cho sự đổi mới trong công tác thanh niên của một huyện ngoại thành vừa được chia tách, tôi tự cho mình trở thành “quan trọng” và xem thường những đồng nghiệp chưa có thành tích nổi bật nào. Nhân sự cơ quan Huyện Đoàn có sự biến động, tôi ganh tỵ với những đồng nghiệp đến sau, chưa có gì nổi bật lại được đề bạt “ngồi vào ghế Ủy viên Ban Thường vụ Huyện Đoàn”… Quả thật là, “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do rèn luyện mà nên”. Những giây phút tỵ hiềm như thế đã làm cho tôi không còn là chính mình: ích kỷ, hiếu thắng và kiêu ngạo. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị phát động đã kịp thời giúp tôi nhắc nhở và nhìn lại bản thân. Soi mình vào chiếc gương của Bác, tôi cảm thấy hổ thẹn về những gì đã nghĩ, đã làm trong khoảng thời gian qua… Mỗi một mẩu chuyện về Bác được xem qua là mỗi một đêm tôi trăn trở với khuyết điểm của mình trước đó. Chợt hiểu ra rằng, mình không chỉ ngồi đây và chỉ biết nói : “Tôi đã sai” mà quan trọng là phải biết “mình sai ở chỗ nào và phải làm gì để khắc phục, sửa chữa những sai lầm đó”.

Tôi quyết tâm xây dựng lại chính mình bắt đầu từ những việc dù là nhỏ nhất. Hàng ngày, tôi dành thời gian để đọc những mẫu chuyện về Bác và rút ra từng bài học cho bản thân mình. Tôi tập trung đầu tư sâu hơn vào chuyên môn, sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm công tác từ các anh chị Cựu Cán bộ Đoàn đi trước, từ cơ sở Đoàn cho đến đoàn viên thanh niên và anh em đồng nghiệp cơ quan. Tôi học cách “biết lắng nghe”, “biết khiêm tốn” và “gần gũi” nhiều hơn với mọi người xung quanh để “hiểu” để “làm” trong quá trình công tác. Những thành tích đạt được sau mỗi hoạt động, tôi hiểu rằng đó là sự nổ lực của cả hệ thống tổ chức Đoàn, của tập thể anh em đồng nghiệp tại cơ quan… Rồi mọi việc cứ thế tiến triển tốt đẹp hơn, tôi ngày càng tạo được niềm tin với tổ chức và anh em đồng nghiệp, ngày 11/6/2007 tôi vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Bình Chánh nhiệm kỳ IX (2007-2012) tôi được tín nhiệm bầu vào Ban thường vụ Huyện Đoàn…

Bây giờ, tôi có thể nói với mọi người… Tôi tự hào vì được khoác trên mình chiếc áo màu xanh của thanh niên Việt Nam, tự hào vì được là Cán bộ Đoàn, tự hào vì được vinh dự là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, một tổ chức mà Bác Hồ đã có công sáng lập. Có lẽ đối với nhiều người, đó chỉ là những việc làm hết sức bình thường, nhưng đối với tôi: tôi rất hài lòng vì điều đó, hài lòng về những gì mình đang có bằng chính sự nổ lực và rèn luyện của mình. Nếu có ai đó đã từng như tôi, tôi mong rằng qua tấm gương đạo đức của Bác chúng ta hãy tự soi mình lại và hãy hiểu rằng “những gì mà ta biết được, hiểu được, những kiến thức mà ta đang có chỉ là một hạt cát nhỏ trong kiến thức của nhân loại và cả một sa mạc mênh mông”.
Tôi đã không còn có cơ hội để được:
“Bàn tay con nắm tay Cha
Bàn tay Bác ấm vào da, vào lòng”

Trong không khí cả nước đang hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, vui mừng vì sự trưởng thành của Đảng và nhớ đến công lao sáng lập của Bác Hồ. Tôi đang viết những lời cảm nhận chân thành nhất về Bác, về Người Cha kính yêu của nhân dân Việt Nam trong tư thế của thế hệ trẻ năng động, hội nhập. Từ bé, trong tôi đã thấm nhuần lời dạy của Bác: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các cháu”. Học tập và sống tốt - Đó là điều duy nhất tôi có thể làm và sẽ làm thật tốt. Chỉ cần biết cố gắng, gìn giữ ước mơ hoài bão, vươn tới tương lai bằng chính đôi chân của mình, sống với chính mình, hết mình với cuộc đời bằng tất cả phẩm chất của một con người chân chính. Tôi tin rằng tôi sẽ làm được và các bạn sẽ làm được. Tất cả chúng ta đều sẽ rất tự hào: Chúng ta là thế hệ trẻ Hồ Chí Minh!...



Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2009

ĐÊM NAY BÁC KHÔNG NGỦ

Anh đội viên thức dậy
Thấy trời khuya lắm rồi
Mà sao Bác vẫn ngồi
Đêm nay Bác không ngủ

Lặng yên bên bếp lửa
Vẻ mặt Bác trầm ngâm
Trời thì mưa lâm thâm
Mái lều gianh xơ xác

Anh đội viên nhìn Bác
Càng nhìn lại càng thương
Người cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm

Rồi Bác đi dém chăn
Từng người, từng người một
Sợ cháu mình giật thột
Bác nhón chân nhẹ nhàng

Anh đội viên mơ màng
Như nằm trong giấc mộng
Bóng Bác cao lồng lộng
Ấm hơn ngọn lửa hồng

Thổn thức cả nỗi lòng
Thầm thì anh hỏi nhỏ:
- Bác ơi, Bác chưa ngủ
Bác có lạnh lắm không?

- Chú cứ việc ngủ ngon
Ngày mai đi đánh giặc
Vâng lời anh nhắm mắt
Nhưng bụng vẫn bồn chồn

Không biết nói gì hơn
Anh nằm lo Bác ốm
Lòng anh cứ bề bộn
Vì Bác vẫn thức hoài

Chiến dịch hãy còn dài
Đường hầm lắm dốc lắm ụ
Đêm nay Bác không ngủ
Lấy sức đâu mà đi!

… Lần thứ ba thức dậy
Anh hốt hoảng giật mình
Bác vẫn ngồi đinh ninh
Chòm râu im phăng phắc

Anh vội vàng nằng nặc:
- Mời Bác ngủ Bác ơi
Trời sắp sáng mất rồi
Bác ơi, mời Bác ngủ.

- Chú cứ việc ngủ ngon
Ngày mai đi đánh giặc
Bác thức thì mặc Bác
Bác ngủ không yên lòng

Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn

Trời thì mưa lâm thân
Làm sao cho khỏi ướt
Càng thương càng nóng ruột
Mong trời sáng mau mau

Anh đội viên nhìn Bác
Bác nhìn ngọn lửa hồng
Lòng vui sướng mênh mông
Anh thức luôn cùng Bác

Đêm nay Bác ngồi đó
Đêm nay Bác không ngủ
Vì một lẽ thường tình
Bác là Hồ Chí Minh.

(Minh Tuệ)
1951

CHÁU NHỚ BÁC HỒ

Đêm nay bên bến Ô Lâu
Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ
Nhớ hình Bác giữa bóng cờ
Hồng hào đôi má, bạc phơ mái đầu
Mắt hiền sáng rực như sao
Bác nhìn tận đến Cà Mau sáng ngời
Nhớ khi trăng sáng đầy trời
Trung thu bác gởi những lời vào thăm
Nhớ ngày quê cháu tan hoang
Lụt trôi, Bác gởi lúa vàng vào cho
Nhớ khi nhà cháu ra tro
Bác đưa bộ đội về lo che giùm
Bác ơi nhớ mấy cho cùng
Ngoài xa Bác có thấu lòng cháu không.
Đêm đêm cháu những bâng khuâng
Giở xem ảnh Bác cất thầm bấy lâu
Nhìn mắt sáng, nhìn chòm râu
Nhìn vầng trán rộng, nhìn đầu bạc phơ
Càng nhìn càng lại ngẩn ngơ
Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn
Bác ơi dù cách núi non
Mà hình Bác vẫn trong lòng không xa
Giặc kia muốn cắt sơn hà
Mà miền Nam vẫn hướng ra Bác Hồ,
Hướng về sắc đỏ ngọn cờ
Về ngày Nam Bắc cõi bờ liền nhau.
Đêm nằm cháu những chiêm bao
Ngày vui thống nhất Bác vào miền Nam.
Cổng chào dựng chật đường quan
Bác đến đình làng Bác đứng trên cao
Bác cười thân mật biết bao
Bác dặn đồng bào cặn kẽ từng câu
Ung dung Bác vuốt chòm râu
Bác xoa đầu cháu, Bác âu yếm cười.
Đêm nay trăng lại sáng rồi
Trung thu nhớ bác cháu ngồi cháu trông
Ngoài xa nghe tiếng trống rung
Nghe những nhi đồng nhảy múa hò reo
Bác chắc cũng nhớ cháu nghèo
Miền Nam đau khổ sớm chiều trông ra.

(Thanh Hải)
8-1956

ĐỌC THƠ BÁC

Hoàng Trung Thông
5-1960

Ngục tối, trái tim càng cháy lửa
Xích xiềng không khóa nổi lời ca
Trǎm sông nghìn núi chân không ngã
Yêu nước yêu người yêu cỏ hoa.

Đọc lời thơ Bác tâm hồn Bác
Một tấm gương trong chẳng bụi mờ
Bóng cây đại thụ trùm xanh mát
Cánh rộng chim bằng bay tự do.

Tự do! Gươm súng nào ngǎn được
Biển rộng sông dài ý chí cao
Thân ở trong tù, lòng ở Nước
Bay quanh hồn mộng ánh vàng sao.

Khi chim rừng ca rộn núi
Khi nhìn khóm chuối ánh trǎng soi
Lao lung vẫn giữ lòng thư thái
Nắm chắc trong tay cả cuộc đời.

Tôi đọc trǎm bài trǎm ý đẹp
A'nh đèn tỏa rạng mái đầu xanh
Vần thơ của Bác, vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.

SÁNG THÁNG NĂM

Vui sao một sáng tháng Năm
Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ
Suối dài xanh mướt nương ngô
Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn...

Bác kêu con đến bên bàn
Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ
Con bồ câu trắng ngây thơ
Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn
Lát rồi, chim nhé, chim ăn
Bác Hồ còn bận khách văn đến nhà

Bàn tay con nắm tay cha
Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng.
Bác ngồi đó, lớn mênh mông
Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non...
Bác Hồ, cha của chúng con
Hồn của muôn hồn
Cho con được ôm hôn má Bác
Cho con hôn mái đầu tóc bạc
Hôn chòm râu mát rượi hoà bình!
Ôi cái tên kính yêu Hồ Chí Minh!
Trong sáng lòng anh du kích
Nửa đêm bôn tập diệt đồn
Vững tay người chiến sĩ nông thôn
Bắt sỏi đá phải thành sắn gạo
Anh thợ, má anh vàng thuốc pháp
Cánh tay anh dày sẹo lửa gang
Ôi những em đốt đuốc đến trường làng
Và các chị dân công mòn đêm vận tải!
Các anh chị, các em ơi, có phải
Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh
Môi ta thầm kêu Bác: Hồ Chí Minh!
Và mỗi trận, mỗi mùa vui thắng lợi
Ta lớn cao lên, bay bổng diệu kỳ
Trên đường dài, hai cánh đỡ ta đi...

Bác Hồ đó, là lòng ta yên tĩnh
Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao!
Giọng của Người, không phải sấm trên cao
Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước
Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau...

Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà
Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút...
Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút
Trán mênh mông, thanh thản một vùng trời.
Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười
Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi!
Người rực rỡ một mặt trời cách mạng
Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng
Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người.

Hồ Chí Minh, Người ở khắp nơi nơi
Hồn biển lớn đón muôn lời thủ thỉ
Lắng từng câu, từng ý chưa thành
Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ
Người ngồi đó, với cây chì đỏ
Vạch đường đi, từng bước, từng giờ...

Không gì vinh bằng chiến đấu dưới cờ
Đảng chói lọi Hồ Chí Minh vĩ đại!
Con nhớ hết mỗi lời Người dạy:
Kháng chiến gian nan, kháng chiến trường kỳ
Bác bảo đi, là đi
Bác bảo thắng, là thắng
Việt Nam có Bác Hồ
Thế giới có Xta-lin
Việt Nam phải tự do
Thế giới phải hoà bình!
Chúng con chiến đấu hy sinh
Tấm lòng son sắt, đinh ninh lời thề.

Bắt tay Bác tiễn ra về
Nhớ hoài buổi sáng mùa hè chiến khu...

(TỐ HỮU)

BÁC ƠI

Tố Hữu
6-9-1969


Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...
Chiều nay con chạy về thǎm Bác
Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa!

Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác, đứng nhìn lên
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!

Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thǎm, thấy Bác cười!

Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
Quanh mặt hồ in mây trắng bay...

Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi
Nǎm canh bớt nặng nỗi thương đời
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người.

Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi nǎm châu
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau...

Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già

Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha
Bác nghe từng bước trên tiền tuyến
Lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa.

Bác vui như ánh buổi bình minh
Vui mỗi mầm non, trái chín cành
Vui tiếng ca chung hòa bốn biển
Nâng niu tất cả chỉ quên mình.

Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều
Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu?
Ra đi, Bác dặn: "Còn non nước..."
Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều

Bác đã lên đường theo tổ tiên
Mác - Lênin, thế giới Người hiền
A'nh hào quang đỏ thêm sông núi
Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!

Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.

HỒ CHÍ MINH

Tố Hữu
26-8-1945

Hồ Chí Minh
Người lính già
Đã quyết chiến hy sinh
Cho Việt Nam độc lập
Cho thế giới hoà bình!
Người đã sống năm mươi năm vũ bão
Vì nhân loại
Người quyết dâng xương máu
Vì giang sơn
Người quyết dứt gia đình!

Hồ Chí Minh
Người đã quyết
Mặc phong ba giá tuyết
Mặc gươm súng xiềng gông
Làm tên quân cảm tử đi tiên phong


Đánh trăm trận, thề trăm phen quyết thắng!
Bao thất bại dẫu xát lòng cay đắng
Hồn vẫn tươi vui, thơm ngát tình đời
Bước trường chinh dầu mỏi gối khan hơi
Tim gang thép vẫn bừng bừng lửa chiến
Cờ đã phất, phải gương cao quyết tiến! Người xông lên
Và cả đoàn quân, thừa huyết khí thanh niên
Rập bước tiến bên người Cha anh dũng.
Tiếng Người thét
Mau lên gươm lắp súng!
Và cả đoàn quân
Đã bao nhiêu năm tháng trải phong trần
Mắt sáng quắc tay xanh loè mã tấu
Vụt ào lên quyết hy sinh chiến đấu
Diệt cường quyền!
Ôi sức mạnh vô biên!
Hồ Chí Minh
Hỡi ngọn ốc thiêng liêng
Trên đầu ta, ngọn cờ dân tộc
Trăm thế kỷ trong tên Người: A'i Quốc
Bạn muôn đời của thế giới đau thương!
Chúng tôi đây
Lớp con cháu trên đường
Gươm tuốt vỏ, súng cầm tay, xốc tới
Ngọn cờ đỏ sao vàng bay phấp phới
Nước non Hồng vang dội Tiến quân ca

Hồ Chí Minh
Người trẻ mãi không già!

Kiên trì chống lại tuổi già và bệnh tật

Sang đến năm 1967, Bác Hồ của chúng ta đã già và yếu đi nhiều. Nhưng ngày ba bữa, Bác vẫn tự mình từ nhà sàn, đi bộ đến nhà ăn. Một phần, không muốn phiền anh em phục vụ, phần nữa, Bác muốn đặt ra cho mình một kỷ luật, buộc mình phải vận động, rèn luyện, chống lại suy yếu của tuổi già.
Các đồng chí phục vụ Bác rất áy náy. Phần thương Bác vất vả, ngày nắng, còn ngày mưa; phần lo Bác già yếu, chẳng may vấp ngã, nếu có chuyện gì thì ảnh hưởng lớn đến công việc của đất nước và của Đảng.

Ngày đó, con đường quanh ao cá chưa được tôn tạo như hiện nay. Sau những trận mưa to, đường đi còn ngập nước. Nhưng đến giờ ăn, dù đang còn mưa, Bác vẫn xắn quần quá đầu gối, cầm ô, cùng đồng chí bảo vệ, lội nước đi sang nhà ăn. Nhìn ống chân Bác gầy gò, nổi gân xanh, anh em thương Bác, trào nước mắt, nhưng không sao thuyết phục được Bác cho phép dọn cơm bên nhà sàn.

Bác nói:

- Các chú muốn chỉ một người vất vả hay muốn cho nhiều người cũng phải vất vả vì Bác.

Có hôm, buổi sớm, Bác vào thay quần áo xong, đến bữa, gặp trời mưa, Bác không muốn các đồng chí phục vụ phải giặt nhiều, Bác cởi quần dài, gập lại, cắp nách, sang đến nơi mới mặc vào. Bác coi mình cũng chỉ là một người phục vụ và xem các đồng chí phục vụ cũng như mình nên không muốn làm phiền ai.

Tuy vậy, các đồng chí phục vụ Bác vẫn cố gắng tìm mọi cách để có thể thay đổi tình hình ấy.

Một hôm, Bác cho gọi chị Trần Thị Lý, người con gái miền Nam vào ăn cơm với Bác. Bác mời vào ngày Chủ nhật, nhưng hôm đó đồng chí Lý lại đi vắng thành ra hôm sau (3-7-1967) chị mới vào được.

Hôm đó, trời mưa rất to. Đồng chí Vũ Kỳ cho dọn cơm ngay bên dưới nhà sàn để Bác ăn cùng chị Lý. Thương chị Lý thương tật, đau yếu, đường mưa trơn, đi lại khó khăn, lần đầu tiên, bữa đó Bác Hồ đồng ý ở lại ăn cơm dưới nhà sàn.

Hôm sau, các đồng chí phục vụ lại dọn cơm dưới nhà sàn, mời Bác ăn, coi như đã có một tiền lệ và không thỉnh thị Bác. Nhưng Bác đã cho gọi đồng chí Vũ Kỳ đến và phê bình:

- Các chú muốn để Bác hư thân đi có phải không?

Ý Bác đã rõ ràng. Bác muốn mỗi ngày ba bận, mỗi bữa ăn, đi vòng quanh hồ một lần, như một kỷ luật bắt buộc phải rèn luyện đối với mình.

Tuổi già, cũng như trẻ thơ, đều muốn được chiều chuộng. Bác biết: Nếu dễ dãi với mình và để cho người khác dễ dãi với mình, dần dần sẽ hư thân đi.

Không ai sinh ra đã thành lãnh tụ. Muốn trở thành vĩ nhân, phải có chí rèn luyện. Làm Chủ tịch nước rồi, trở thành lãnh tụ kính yêu của cả giai cấp và dân tộc rồi, Bác Hồ vẫn không ngừng rèn luyện. Vì vậy, ở vị trí càng cao, càng nổi tiếng, tinh hoa, phẩm chất, đạo đức của Bác càng sáng, càng trong.

Đạo đức người ăn cơm

Một chiến sĩ bảo vệ Bác - sau này được phong quân hàm cấp tướng - có lần nói rằng:

“Bác thường dạy quân dân ta “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, Bác dạy phải làm gương trước. Bác dạy phải nêu cao đạo đức cách mạng. Có cán bộ nghĩ rằng “đạo đức” cách mạng là để áp dụng trong công tác thôi. Bản thân tôi, được gần Bác thấy ngay trong khi ăn cơm, Bác cũng đã dạy cho chúng tôi thế nào là “đạo đức”.

Thứ nhất, Bác không bao giờ đòi hỏi là Chủ tịch nước phải được ăn thứ này, thứ kia. Kháng chiến gian khổ đã đành là Bác sống như một người bình thường, khi hòa bình lập lại có điều kiện Bác cũng không muốn coi mình là “vua” có gì ngon, lạ là “cống, hiến”.

Thứ hai, món ăn của Bác rất giản dị, toàn các món dân tộc, tương cà, cá kho..., thường là chỉ 3 món trong đó có bát canh, khá hơn là 4 - 5 món thôi...

Thứ ba, Bác thường bảo chúng tôi, ăn món gì cho hết món ấy, không đụng đũa vào các món khác. Gắp thức ăn phải cho có ý. Cắt miếng bơ cũng phải cho vuông vức. Nhớ lần đi khu IV, đồng chí Bí thư và Chủ tịch Quảng Bình ăn cơm với Bác, trong mâm có một bát mắm Nghệ hơi nhiều. Bác dùng bữa xong trước, ngồi bên mâm cơm. Hai cán bộ tỉnh ăn tiếp rồi buông đũa. Bác nhìn bát mắm nói:

- Hai chú xẻ bát mắm ra, cho cơm thêm vào ăn cho hết.

Hai “quan đầu tỉnh” đành phải ăn tiếp vừa no, vừa mặn... Chiều hôm đó, hai đồng chí đưa Bác đi thăm bờ biển, trời nắng, ăn mặn nên khát nước quá.

Lần khác, một cán bộ ngoại giao cao cấp người Hà Tĩnh được ăn cơm với Bác, đã gắp mấy cọng rau muống cuối cùng vào bát tương ăn hết. Tưởng là đã “hoàn thành nhiệm vụ” nào ngờ Bác lại nói:

- Tương Nghệ đồng bào cho Bác, ngon lắm. Cháu cho thêm ít cơm vào bát “quẹt” cho hết...

Thứ tư, có món gì ngon không bao giờ Bác ăn một mình, Bác xẻ cho người này, người kia rồi sau cùng mới đến phần mình, thường là phần ít nhất. Ăn xong thu xếp bát đũa gọn gàng, để đỡ vất vả cho người phục vụ.

Thứ năm, tôi có cảm giác là đôi khi ăn cơm có những giây phút Bác cầm đôi đũa, nâng bát cơm, Bác như tư lự về điều gì đó. Tưởng như Bác nghĩ đến đồng bào, cụ già, em bé đói rách ở đâu đấy. Tưởng như Bác nhớ lại những ngày lao động ở xứ người kiếm từng mẩu bánh để ăn, để uống, để làm cách mạng... Hay là Bác lại nghĩ đến những lần tù đày không có gì ăn. Thật khó hiểu mà càng khó hiểu, tôi lại càng thương Bác quá, thương quá. Bây giờ vào những bữa tiệc cao lương, mỹ vị, rượu bia thức ăn bày la liệt, quái lạ tôi lại nhớ đến Bác rồi... có ăn cũng chẳng thấy ngon như khi xưa ngồi vào mâm cơm đạm bạc với Bác”.

Gương mẫu tôn trọng luật lệ

Hàng ngày, Bác thường căn dặn anh em cảnh vệ chúng tôi phải luôn có ý thức tổ chức, kỷ luật, triệt để tôn trọng nội quy chung. Bác bảo: “Khi bàn bạc công việc gì, đã quyết nghị thì phải triệt để thi hành. Nếu đã tự đặt ra cho mình những việc phải làm thì cương quyết thực hiện cho bằng được”.

Một hôm chúng tôi theo Bác đến thăm một ngôi chùa lịch sử. Hôm ấy là ngày lễ, các vị sư, khách nước ngoài và nhân dân đi lễ, tham quan chùa rất đông. Bác vừa vào chùa, vị sư cả liền ra đón Bác và khẩn khoản xin Người đừng cởi dép, nhưng Bác không đồng ý. Đến thềm chùa, Bác dừng lại để dép ở ngoài như mọi người, xong mới bước vào và giữ đúng mọi nghi thức như người dân đến lễ.

Trên đường từ chùa về nhà, xe đang bon bon, bỗng đèn đỏ ở một ngã tư bật lên. Đường phố đang lúc đông người. Xe của Bác như các xe khác đều dừng lại cả. Chúng tôi lo lắng nhìn nhau. Nếu nhân dân trông thấy Bác, họ sẽ ùa ra ngã tư này thì chúng tôi không biết làm thế nào được. Nghĩ vậy, chúng tôi bàn cử một đồng chí cảnh vệ chạy đến bục yêu cầu công an giao cảnh bật đèn xanh mở đường cho xe Bác. Nhưng Bác đã hiểu ý, Người ngăn lại rồi bảo chúng tôi:

- Các chú không được làm như thế. Phải gương mẫu tôn trọng luật lệ giao thông, không nên bắt người khác nhường quyền ưu tiên cho mình.

Chúng tôi vừa ân hận, vừa xúc động, hồi hộp chờ người công an giao cảnh bật đèn xanh để xe qua...

Không có việc gì khó

Năm 1927, với tên gọi là Thầu Chín, Bác Hồ sống và hoạt động trong kiều bào Việt Nam ở Xiêm (Thái Lan) cho đến cuối năm 1929. Đây là một trong những thời gian Người sống lâu nhất với đồng bào, trước năm 1945.

Sau khi đặt chân đến Phi Chịt, Người nêu ý kiến đi ra U Đon để tìm gặp Việt kiều. Từ Phi Chịt đến U Đon phải đi bộ, băng rừng hàng tháng. Mỗi người đi đường đều gánh theo hai thùng sắt tây đựng quần áo, đồ dùng lặt vặt, có nắp đậy để tránh mưa núi, vắt rừng. Thức ăn mang theo cũng là 10kg gạo và một ống “cheo” (thịt gà hoặc sườn lợn băm nhỏ rang muối. Năm 1945 khi đi Côn Minh, Bác cũng mang theo một ống “cheo” nhưng đặt tên là muối Việt Minh).

Thầu Chín cùng một số anh em ra đi vào dịp mùa thu. Cây rừng đang rụng lá. Trời nắng to, đường đi đá sỏi gập ghềnh, mọi người đều mệt mỏi. Thấy Thầu Chín không quen gánh, có người muốn giúp đỡ, nhưng Thầu Chín không chịu. Ít ngày sau, đôi chân của Thầu Chín đã sưng lên, rớm máu, tấy đỏ. Anh em lại yêu cầu Thầu Chín nhường gánh. Thầu Chín nói: “Thánh hiền đã dạy: Thiên hạ vô nan sự, nhân tâm tự bất kiên”, ý nói là dưới trời này không có việc gì khó, chỉ sợ lòng người không kiên trì... cứ cố gắng, để thế vài hôm nữa sẽ quen đi... Quả nhiên mấy ngày sau nữa, bước chân Thầu Chín đã nhanh, đi gọn, đôi thùng đung đưa có vẻ đã nhẹ nhàng. Mấy tháng sau, có lần từ U Đon về đến Xa Vang đường dài hơn 70 km, Thầu Chín chỉ đi hết một ngày.

Hơn 20 năm sau, vào cuối mùa đông năm 1950, trong một lần gặp gỡ anh em thanh niên xung phong làm đường ở Đèo Khế, Thái Nguyên, Bác Hồ đã đọc tặng bốn câu:

... Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.

Bốn câu thơ ấy, tuy là mượn ý của “Thánh hiền” nhưng đã được kiểm nghiệm trong thực tế cuộc sống của Bác Hồ mấy chục năm trước đó...

BỮA CƠM KHÁNG CHIẾN

Khoảng giữa năm 1952, Đoàn đại biểu quân đội gồm 20 người tiêu biểu của các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích trong cả nước đến Tuyên Quang dự “Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc”.

Trước khi vào Đại hội, Bác mời cơm mọi người. Cụ Hoàng Hanh, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, anh Ngô Gia Khảm, chị Nguyễn Thị Chiên và một em thiếu nhi được Bác gọi ngồi cùng mâm với Bác.

Trên chiếc bàn bằng tre nứa sạch sẽ, thức ăn được bày lên, có thịt gà, cá rán, dưa chua, rau và cả một bát dưa nấu giấm cá. Bác nói: “Đây là bữa cơm kháng chiến để chúc mừng các chiến sĩ thi đua đã lập nhiều thành tích trong sản xuất và chiến đấu. Trung ương Đảng và Chính phủ không có gì nhiều, chỉ toàn những thứ do anh em trong cơ quan và Bác trồng trọt, chăn nuôi thu hái được, mời cụ, các cô các chú ăn. Đã ăn là ăn thật no, ăn no để đủ sức tham gia hội nghị, nghe hiểu hết mọi điều về nói lại với nhân dân. Nào, xin mời!" Rồi Bác cầm đũa gắp thức ăn vào bát cho từng người.

Có đồng chí nói: “Chao ôi! Bác thết chúng cháu nhiều món quá”. Bác quay sang vui vẻ nói: “Tất cả đây đều là kết quả tăng gia sản xuất của tập thể cơ quan: gà và cá là Bác tự nuôi. Rau thì các cô các chú xem kìa - Bác chỉ tay ra khoảng đất phía sau hội trường. Giữa tán cây cao, có một khoảng nắng rộng, nhìn rõ các luống rau xanh và giàn bầu tươi tốt. Bác tiếp: Rau thơm, hành tỏi cũng không phải mua. Hôm nay chưa giết lợn, để Hội nghị thành công, rồi sẽ khao chung một bữa."

Mọi người mải nghe Bác nói, không ai gắp thức ăn. Bác lại vồn vã giục: “Nào tất cả ăn đi, ăn xong ta sẽ nói chuyện với nhau”.

Có Bác cùng ăn, mọi người ăn rất ngon lành, vui vẻ. Trong bữa ăn, nhìn anh Ngô Gia Khảm có thương tật ở tay, cầm thìa xúc ăn thật vất vả, Bác rơm rớm nước mắt và cứ gắp cho anh đều. Thấy chị Chiên thích ăn cá, Bác hỏi:

- Quê cháu có nuôi cá không?

- Thưa Bác, không nuôi ạ. Khi muốn ăn thì xách giỏ ra đồng, hoặc đánh bắt ở ao, hồ, sông.

- Ở đây Bác và anh em trong cơ quan chỉ ngăn lại một quãng suối, vậy mà cá to thế đấy.

Bác vui vẻ hỏi chuyện mọi người. Bữa ăn hôm ấy thật ngon miệng, thoải mái và thân thiết.

QUYỀN LAO ĐỘNG CỦA BÁC

Năm 1950, Bác Hồ đi chiến dịch biên giới. Chuyến đi dài ngày, gian khổ. Anh em cảnh vệ kiếm được một con ngựa, mời Bác lên. Bác cười: chúng ta có 7 người, ngựa chỉ có một con, Bác cưỡi sao tiện?

Anh em vừa khẩn khoản: chúng cháu còn trẻ, Bác đã cao tuổi, đường xa, việc nhiều... Không nỡ từ chối, Bác trả lời:

- Thôi được, các chú cứ mang ngựa theo để nó đỡ hộ ba lô, gạo nước và thức ăn. Trên đường đi, ai mệt thì cưỡi. Bác mệt, Bác cũng sẽ cưỡi.

Ở khu an toàn, mặc dầu xa địch, nhưng mỗi lần chuyển địa điểm, ngoài việc làm lán trại, Bác cháu còn phải đào hầm, hố. Bác thường giúp đỡ các chiến sĩ bảo vệ vẽ mẫu hầm, cách cầm xẻng, phá đất đá, nện “choòng”... Ngay trong mỗi nhà, mỗi lán Bác đều cho đào công sự đề phòng máy bay tập kích bất ngờ, cây rừng đổ xuống. Cứ mỗi ngày Bác đào một ít, sau giờ làm việc vài ba buổi là xong. Ai muốn đến giúp, Bác ngăn lại, không đồng ý và nói:

- Đây là quyền lao động của Bác.

THỜI GIAN QUÝ BÁU LẮM

Sinh thời, Bác Hồ của chúng ta yêu cái gì nhất, ghét cái gì nhất? Kể cũng hơi khó trả lời cho thật chính xác, bởi ở ta không có thói quen “tự bạch” và kín đáo, ý nhị vốn là một đặc điểm của lối ứng xử phương Đông.

Tuy nhiên, theo dõi qua tác phẩm, hoạt động và sinh hoạt đời thường, điều ta có thể thấy rõ cái mà Người ghét nhất, “ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm” là các thói quan liêu, tham nhũng, xa hoa, lãng phí tiền bạc và thời gian của nhân dân.

Ở một mức độ khác, thấp hơn, những người có điều kiện tiếp xúc và làm việc với Bác Hồ, điều thấy rõ nhất là Bác rất khó chịu khi thấy cán bộ làm việc không đúng giờ.

Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”.

Trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí cấp tướng đến làm việc với Bác sai hẹn mất 15 phút, tất nhiên là có lý do: mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. Bác bảo:

- Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động.

Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi:

- Chú đến chậm mấy phút?

- Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!

- Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.

Bác quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu, vì vậy thường không bao giờ để bất cứ ai phải đợi mình.

Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh chị em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Tin vui đến làm náo nức cả lớp học, mọi người hồi hộp chờ đợi.

Bỗng chuyển trời đột ngột, mây đen ùn ùn kéo tới, rồi một cơn mưa dồn dập, xối xả, tối đất, tối trời, hai ba tiếng đồng hồ không dứt. Ai cũng xuýt xoa, tiếc rẻ: mưa thế này, Bác đến sao được nữa, trời hại quá.
Giữa lúc trời đang trút nước, lòng người đang thất vọng, thì từ ngoài hiên lớp học có tiếng rì rào, rồi bật lên thành tiếng reo át cả tiếng mưa ngàn, suối lũ:

- Bác đến rồi, anh em ơi! Bác đến rồi!

Trong chiếc áo mưa ướt sũng nước, quần xắn đến quá đầu gối, đầu đội nón, Bác hiện ra giữa niềm ngạc nhiên, hân hoan và sung sướng của tất cả mọi người.

Về sau, anh em được biết: giữa lúc Bác chuẩn bị đến thăm lớp thì trời đổ mưa to. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị Bác cho báo hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Bác...

Nhưng Bác không đồng ý: “Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì biết đến khi nào? Thà chỉ một mình Bác và một vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cho cả lớp học phải chờ uổng công!”.

Ba năm sau, giữa Thủ đô Hà Nội đang vào xuân, câu chuyện có thêm một đoạn mới. Vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, hàng trăm đại biểu các tầng lớp nhân dân thủ đô tập trung tại Ủy ban Hành chính thành phố để lên chúc tết Bác Hồ. Sắp đến giờ lên đường trời bỗng đổ mưa như trút. Giữa lúc mọi người còn đang lúng túng thu xếp phương tiện cho đoàn đi để Bác khỏi phải chờ lâu thì bỗng xịch, một chiếc xe đậu trước cửa. Bác Hồ từ trên xe bước xuống, cầm ô đi vào, lần lượt bắt tay, chúc tết mỗi người, trong nỗi bất ngờ rưng rưng cảm động của các đại biểu.

Thì ra, thấy trời mưa to, thông cảm với khó khăn của ban tổ chức và không muốn các đại biểu vì mình mà vất vả, Bác chủ động, tự thân đến tại chỗ chúc tết các đại biểu trước. Thật đúng là mối hằng tâm của một lãnh tụ suốt đời quên mình, chỉ nghĩ đến nhân dân, cho đến tận phút lâm chung, vẫn không quên dặn lại: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”.

BÁT CHÈ SẺ ĐÔI

Đồng chí liên lạc đi công văn 10 giờ đêm mới đến. Bác gọi mang ra một bát, một thìa con. Rồi Bác đem bát chè đậu đen, đường phèn, mà anh em phục vụ vừa mang lên, sẻ một nửa cho đồng chí liên lạc.

- Cháu ăn đi.

Thấy đồng chí liên lạc ngần ngại, lại có tiếng đằng hắng bên ngoài, Bác giục:

- Ăn đi, Bác cùng ăn...

Cám ơn Bác, đồng chí liên lạc ra về. Ra khỏi nhà sàn, xuống sân, đồng chí cấp dưỡng bấm vào vai anh lính thông tin:

- Cậu chán quá. Cả ngày Bác có bát chè để bồi dưỡng làm đêm mà cậu lại ăn mất một nửa.

- Khổ quá, anh ơi! Em có sung sướng gì đâu. Thương Bác, em vừa ăn vừa rớt nước mắt, nhưng không ăn lại sợ Bác không vui, mà ăn thì biết cái chắc là các anh mắng mỏ rồi...

MỘT BỮA ĂN TỐI CỦA BÁC

Tháng 4-1946, giữa lúc đất nước đang bề bộn công việc, thì Bác vẫn dành những thì giờ quý báu về Ninh Bình dàn xếp những vấn đề đối nội, đối ngoại có lợi cho quốc gia. Vào khoảng ngày 10 đến 12, Bác đi qua thị xã Ninh Bình để xuống Phát Diệm. Lúc đó tôi là Quyền Chủ tịch ủy ban hành chính tỉnh. Một dịp may hiếm có được đón Bác về tỉnh, nghĩ vậy, tôi mời đồng chí Ủy viên thư ký kiêm Phó Chủ tịch và Chánh Văn phòng đến hội ý. Hai đồng chí cũng cùng chung một ý nghĩ như tôi.

Tôi phân công đồng chí Phó Chủ tịch huy động nhân dân ra tập trung đón Bác, đồng chí Chánh Văn phòng chuẩn bị cơm mời Bác, còn tôi phụ trách việc dọn dẹp văn phòng, chuẩn bị chỗ nghỉ và chỗ ngủ cho Bác qua đêm.

Quả như tôi dự đoán, sáu giờ chiều thì xe Bác về đến phía Nam thị xã Ninh Bình. Nhân dân đã vẫy cờ, hô khẩu hiệu rồi ùa xuống lòng đường đón Bác. Bác ra khỏi xe vẫy chào nhân dân. Nhân lúc đó chúng tôi mời Bác vào trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh.

Trước sự nhiệt tình của nhân dân thị xã, không nỡ từ chối, Bác đã vào gặp Ủy ban hành chính tỉnh Ninh Bình.

Đến cổng cơ quan, Bác bảo đồng chí lái xe dừng lại rồi xuống đi bộ. Vừa đi Bác vừa hỏi tình hình đời sống của nhân dân, đặc biệt đồng bào ở vùng công giáo. Chúng tôi báo cáo với Bác về những khó khăn trong tỉnh, một số nơi nông dân còn bị đói.

Bác căn dặn chúng tôi phải chú ý đoàn kết lương giáo, động viên bà con tích cực tăng gia sản xuất để chống đói, chú ý công tác diệt giặc dốt, mở nhiều lớp bình dân học vụ vào buổi trưa, buổi tối, vận động bà con đi học.

Chúng tôi mời Bác nghỉ lại cơ quan cho đỡ mệt rồi dùng bữa tối. Thực ra bữa cơm chúng tôi chuẩn bị cho Bác không có gì ngoài một con gà giò luộc, nước luộc gà nấu bí đao, vì lúc đó kinh phí của Ủy ban hành chính tỉnh cũng hết sức khó khăn.

Bác nói:

- Hàng ngàn đồng bào đang chờ Bác ngoài kia, Bác không thể nghỉ ở đây để ăn cơm được vì 9 giờ tối Bác đã có việc ở Phủ Chủ tịch. Bây giờ các chú giúp Bác: một chú ra tập hợp đồng bào vào một ngã tư rộng gần đây để Bác ra nói chuyện với đồng bào mươi phút, một chú ra cửa hàng bánh mua cho Bác một cặp bánh giò. Còn các chú đi với Bác thì tranh thủ ăn cơm trước. Nói chuyện xong, Bác ngược Hà Nội ngay cho kịp hẹn. Trong xe Bác sẽ ăn bánh vừa đỡ tốn kém, vừa tiết kiệm được thời gian cho Bác.
Chúng tôi vâng lời Bác làm theo.

Nói chuyện với đồng bào Ninh Bình hôm đó, Bác nhấn mạnh:

- Đồng bào chú ý đoàn kết lương giáo vì âm mưu của kẻ thù luôn tìm cách chia rẽ đồng bào lương giáo.

- Đồng bào tích cực tăng gia sản xuất chống giặc đói, chống giặc dốt.

- Đồng bào chuẩn bị tinh thần chịu đựng gian khổ để chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc.

Kết thúc, Bác hỏi:

- Đồng bào có đồng ý thực hiện ba điều tôi nêu ra không?

- Đồng ý! Đồng ý! Hồ Chủ tịch muôn năm.

Hàng ngàn nắm tay gân guốc giơ lên hưởng ứng. Tiếng hô và tiếng vỗ tay râm ran. Bác vẫy tay chào đồng bào rồi lên xe về Hà Nội. Xe đi được một quãng Bác mới bắt đầu dùng “bữa ăn tối” của mình.

VIỆC CHI TIÊU CỦA BÁC HỒ

Các đồng chí ở gần Bác đều cho biết Bác rất tiết kiệm. Có đôi tất rách đã vá đi, vá lại mấy lần Bác cũng không dùng tất mới. Bác nói:

- Cái gì còn dùng được nên dùng. Bỏ đi không nên...

Khi tất rách chưa kịp vá, anh em đưa đôi mới để Bác dùng, Bác xoay chỗ rách vào bên trong rồi cười xí xóa:

- Đấy, có trông thấy rách nữa đâu...

Có quả chuối hơi nẫu, anh cán bộ chê không ăn, Bác lấy dao gọt phần nẫu đi, bóc ăn ngon lành, rồi nói:

- Ở chiến khu có được quả chuối này cũng đã quý...

Câu nói và việc làm của Bác làm đồng chí cán bộ hối hận mãi.

Dù cho đã làm đến Chủ tịch nước, suốt trong những năm ở Việt Bắc, ở Hà Nội, Bác chưa bao giờ “có tiền” (như anh em cán bộ, chiến sĩ, công tác quanh Bác thường nhận xét).

Thực tế lịch sử cho thấy rằng: suốt thời gian hoạt động của Bác ở nước ngoài, Bác gặp rất nhiều khó khăn về tài chính do những nguyên nhân khác nhau. Được đồng nào, chủ yếu do lao động tự thân mà có, Bác dành cho công tác cách mạng. Bác chi tiêu rất dè sẻn, cân nhắc từng xu. Liên hoan mừng thành lập Đảng cũng chỉ có bát cơm, món xào, tô canh, đĩa cá. Chiêu đãi đồng chí Lý Bội Quần, người Trung Quốc, người đã mua chiếc máy chữ từ Hải Phòng về tặng Người (năm 1939), Bác cũng chỉ “khao một món canh và 2 đĩa thức ăn, thêm hai lạng rượu, tổng cộng chưa hết một đồng bạc”.

Tự thết đãi mình “khi nghe tin Hồng quân bắt sống 33 vạn quân Hít le ở Xtalingrát năm 1943”, tại nhà tù, trong túi chỉ còn vẻn vẹn một đồng bạc, Bác đã “nhờ người lính gác mua giùm cho ít kẹo và dầu chả quẩy”. Sau khi phấn khởi hô mấy khẩu hiệu hoan nghênh thắng lợi của Liên Xô, Bác “ngồi một mình, chén tạc, chén thù rất đàng hoàng vui vẻ”...

Năm 1957, Bác về thăm Nghệ Tĩnh, khi ăn cơm chung với đồng chí Nguyễn Sĩ Quế, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Diệm, Bác đã để bớt ra ngoài mâm mấy món ăn, rồi nói: “Ăn hết lấy thêm, không ăn hết để người khác ăn, đừng để người ta ăn thừa của mình”.

Có thể dẫn ra nhiều nữa những ví dụ về cách chi tiêu sử dụng tiền bạc, cơ sở vật chất của Bác, rất “mâu thuẫn thống nhất”: chắt chiu, tằn tiện nhưng vẫn rộng rãi, không hoang phí mà cũng không keo kiệt, “ki bo”.

Thế giới, loài người tự hào về Bác. Là người Việt Nam, đồng hương của Bác, chúng ta càng tự hào biết bao! Cách ứng xử của Bác với tiền tài, với cái ăn, cái mặc, với cơ sở vật chất nói chung đâu có phải là cao quá mà chúng ta không học tập được, đâu có phải là một tòa thánh cấm uy nghiêm mà chúng ta không đặt chân lên được thềm bậc, dù là bậc thềm thứ nhất?

Nguồn: Báo Điện tử Cần Thơ


Những ngày cuối cùng của Bác Hồ

9 giờ ngày 2/9/1969, Bác bị một cơn đau tim nặng. Theo dõi trên máy điện tim thì đến 9 giờ 15 tim Bác ngừng đập hẳn. Các bác sĩ, anh em bảo vệ chúng tôi thay nhau dùng sức ấn lên ngực Bác, mong sao tim Người đập trở lại. Cho đến 9 giờ 47 phút, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trào nước mắt: "Thôi các đồng chí ạ, Bác của chúng ta không qua khỏi nữa rồi"

Bác nằm chữa bệnh tại ngôi nhà nhỏ phía sau nhà sàn, ngôi nhà mà Bộ Chính trị quyết định làm tháng 5/1967 - trong lúc Bác sang Trung Quốc chữa bệnh, với mục đích đảm bảo an toàn cho Người trong những năm máy bay giặc Mỹ bắn phá Hà Nội.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm Bác những ngày Bác ốm năm 1969. Ảnh do tác giả cung cấp

Khi nhà làm xong, Bác Hồ không nhận sử dụng riêng cho mình. Người nói: "Khi nào có nhiều đồng chí phụ trách đến làm việc với Bác thì họp ở nhà ấy cho chắc chắn. Còn lúc ở một mình, Bác cứ ở nhà sàn gỗ thôi. Các chú lo cho Bác, cũng phải lo cho dân ấy. Dân chịu được thế nào, Bác chịu được như vậy".

Kể từ ngày 20/7/1967 (ngày Bác đi Trung Quốc về), nơi đây trở thành địa điểm Bộ Chính trị họp mỗi tuần một lần, ra những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước. Bây giờ, trong hồ sơ di sản, ngôi nhà này được gọi là nhà 67.

Bài viết cuối cùng

Kỷ niệm Đảng ta 39 tuổi (3/2/1969), tại ngôi nhà này, Bác Hồ đã viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, biểu dương tinh thần hy sinh gương mẫu, đạo đức trong sáng của cán bộ, đảng viên, đồng thời kịch liệt lên án những hành vi, tư tưởng cá nhân hẹp hòi.

Người chỉ ra rằng chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân, là bạn đồng hành của căn bệnh tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh, trục lợi… làm hại đến quyền lợi của cách mạng, của nhân dân, làm giảm thanh danh, uy tín của Đảng cầm quyền.

Trong bài viết cuối cùng về đạo đức trước khi từ biệt thế giới này, Bác Hồ không quên dặn lại mọi người cách làm người, nâng cao phẩm giá - cái gốc quý báu để đảm bảo cho cuộc hành trình trong cuộc đời mỗi người tới đích vẻ vang. Ngẫm suy thời cuộc hiện nay, khi mà chủ nghĩa cá nhân đẻ ra tham nhũng đã trở thành nguy cơ nội xâm, quốc nạn, càng thấy giá trị lớn lao lời dạy của Bác.

Và tại ngôi nhà này, Bác đã để lại tấm gương đạo đức trong sáng để bây giờ cho ta học và làm theo.

Một lần, đồng chí phục vụ đọc cho Bác nghe báo Hà Nội Mới đưa tin Hợp tác xã Ngũ Xã có ý định đúc bức tượng Bác bán thân bằng đồng. Bác nói với đồng chí phục vụ: "Chú sang nói với Trung ương trong lúc đồng khan hiếm không được làm như vậy, đem số tiền định đúc tượng Bác xây thêm cho các cháu một phòng học. Biết bao anh hùng liệt sĩ, sao không đúc tượng, lại đúc tượng Bác?"

Vào thời gian sau ngày 12/8/1969, Bộ Chính trị tổ chức họp bàn chuẩn bị tổ chức 4 ngày lễ lớn trong năm 1970. Cuộc họp vắng Bác, vì Người đang mệt nặng. Một hôm, có đồng chí ủy viên Bộ Chính trị vào thăm Bác và báo cáo lại với Bác quyết định của Bộ Chính trị.

Nằm trên giường bệnh, nghe nói về những kỷ niệm sắp tới, Bác rất vui. Nhưng khi nghe nói việc tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Người, Bác liền bảo: "Bác chỉ đồng ý 3/4 Nghị quyết. Nghị quyết kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng, 100 năm ngày sinh Lênin, 25 năm ngày thành lập nước, các chú nên có sớm để tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Các cháu học sinh sắp bước vào năm học mới, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh của Bác, các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí".

"Chúng tôi xin hiến tim mình để thay tim cho Bác"

16 giờ ngày 12/8/1969, Bác gặp đồng chí Lê Đức Thọ tại nhà nghỉ Hồ Tây nghe báo cáo tình hình Hội nghị Paris. Đêm hôm đó, Bác lên cơn sốt và ho, những ngày sau đó Bác ho nhiều hơn, sốt nặng hơn. Nhưng Bác vẫn lên, xuống nhà sàn làm việc. Theo đề nghị của bác sĩ, ngày 18/8 Bác Hồ không làm việc ở nhà sàn gỗ nữa. Người xuống ở và làm việc tại ngôi nhà 67. Kể từ hôm đó, những ngày quy luật của cuộc đời đến với Bác Hồ ở nơi đây.

Ngày 29/8/1969, Bác nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Ngày lễ Quốc khánh Bác sẽ ra dự mươi, mười lăm phút".

Ngẫm lại thì thấy thật kỳ lạ: 9 giờ ngày 2/9/1969, Bác bị một cơn đau tim nặng. Theo dõi trên máy điện tim thì đến 9 giờ 15 tim Bác ngừng đập hẳn. Các bác sĩ, anh em bảo vệ chúng tôi thay nhau dùng sức ấn lên ngực Bác, mong sao tim Người đập trở lại. Cho đến 9 giờ 47 phút, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trào nước mắt: "Thôi các đồng chí ạ, Bác của chúng ta không qua khỏi nữa rồi".

Thế là, 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969, từ nơi đây truyền đến cho nhân loại nỗi đau Bác Hồ ra đi mãi mãi để cho “đời tuôn nước mắt”. Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đã cứu dân tộc khỏi kiếp khổ nạn, mang lại hạnh phúc độc lập cho mọi người dân, nhưng ngày đó Bác có được hưởng đâu.

Và con số 9 mới linh thiêng làm sao: Bác ra đi lúc 9 giờ 47 phút, ngày 2/9/1969, thọ 79 tuổi. Ngày 9/9/1969, cả dân tộc làm lễ truy điệu tiễn đưa Người về với thế giới người hiền.

Suốt 15 năm Bác sống và làm việc ở khu Phủ Chủ tịch, không có một lần nào dân kéo về nhà Bác để làm bận lòng Bác. Trong những ngày Bác yếu, tuy giữ bí mật rất cao về tình trạng sức khỏe của Bác, nhưng xe cộ hàng ngày ra vào nhiều, đưa các đồng chí Trung ương vào thăm Bác, đưa bác sĩ vào chữa bệnh cho Bác, đưa các phương tiện vào để chạy chữa bệnh cho Bác…, nên dân dự đoán rằng có thể Bác ốm.

Vì thế, có nhiều người dân đến Cổng đỏ (cổng ra vào Phủ Chủ tịch, hàng ngày Bác Hồ vẫn thường đi lại cổng này), nói lên một tâm nguyện: Nếu đúng Bác ốm, chúng tôi xin hiến trái tim của mình để thay tim cho Bác.

Từ ngày 3 đến ngày 6/9/1969, dòng người không lúc nào vắng, buồn rầu đội mưa thầm lặng, trật tự đi đến Lễ đài Ba Đình để viếng ảnh Bác. Và những ngày thi hài Bác quàn trong linh cữu đặt tại Hội trường Ba Đình, vì đông người vào viếng nên có những cháu nhỏ không vào viếng Bác được, cứ giằng co với công an bảo vệ ngoài Hội trường, khóc lóc thảm thiết: Các chú trả Bác cho chúng cháu đây…

Sau ngày Bác mất, một số chiến sĩ công an, trong đó có tôi gác tay súng, chuyển sang tay chổi, tay bút chăm lo công việc bảo vệ di sản cho Bác, hàng ngày quét dọn lau chùi ngôi nhà 67 như khi phục vụ Bác lúc sinh thời. Bác đi rồi, ngôi nhà sao mà lạnh lẽo. Vì vậy chúng tôi đã đặt một lư đồng nhỏ ở cửa sổ cạnh giường Bác nằm, hàng ngày đốt nén hương trầm để nhà thêm ấm cúng.

9 giờ 47 phút ngày 2/9/1989, tôi đã mời và đón Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và cố vấn Ban Chấp hành TƯ Đảng Phạm Văn Đồng vào thăm lại nơi Bác mất và thắp nén hương tưởng nhớ Bác. Hai đồng chí cho ý kiến: "Nên có một nơi trang trọng để thờ cúng Bác, vì hương hồn Bác vẫn mãi mãi ở lại nơi đây với chúng ta".

Để từng bước thực hiện lời căn dặn này, khu Di tích Phủ Chủ tịch đã chỉnh trang để có được nơi thắp hương như hiện nay ở nơi Bác mất. Sau đó, dần dần để khách đến thăm nhà Bác được thắp nén hương nhớ Bác.

Và bắt đầu từ ngày 2/9/1994, chúng tôi mời các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước tới thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ tại nơi đây vào những dịp lễ hàng năm 19/5, 2/9 và ngày Tết âm lịch. Theo phong tục cúng giỗ tổ tiên của Việt Nam, từ năm 1994, cứ đến ngày 21/7 âm lịch, chúng tôi lại sắp mâm cơm giỗ Bác.

Năm 2002, với tấm lòng thành kính của đứa con trông nhà cho Bác, tôi cầu khấn xin Bác cho lập nơi thờ cúng trang nghiêm, rộng rãi để cháu con hôm nay và mai sau về thắp hương tưởng nhớ người Ông, người Bác, người Cha, với bức tượng đồng Bác ngồi ghế, tay Bác cầm kính đặt lên tờ báo để trên đùi, mắt nhìn thẳng như dừng đọc báo để chào đón mọi người vào thăm.

Kể từ ngày lập bàn thờ Bác ở đây, các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng cùng nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã về thắp hương tưởng nhớ Bác, cầu nguyện Bác phù hộ cho Quốc thái, Dân an.

Bác Hồ và người gánh nước đêm giao thừa

"Một Đảng cầm quyền mà để người dân mình nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân..." - điều Bác Hồ nói vào mùa Xuân cách đây 45 năm đến nay còn thấm thía.

Chuyện suy tư đêm 30
Trước thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ của 45 năm về trước, khi nhà nhà sum họp, quây tụ, Bác "vi hành".

45 năm trước, Bác Hồ đã nói về những hiện thực của... ngày hôm nay!


Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên là cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại: Đúng 11 giờ đêm giao thừa, bác mặc áo bông, quần vải gụ, đi dép cao su, đội mũ len đen và quấn khăn chòng cổ, tìm đến nhà "một gia đình nghèo nhất Hà Nội" như người cận vệ của bác báo về. Đó là nhà chị Nguyễn Thị Tín, góa chồng, ngoài 40 tuổi, đêm trừ tịch vẫn phải đi gánh nước thuê nuôi các con.

Đến nay, sau gần nửa thế kỷ, liệu đất nước chúng ta đã hết những cảnh nghèo khổ, cơ cực như chị Tín?

Tết năm ấy Bác Hồ buồn. Trước những người hàng phố quanh nhà cô Tín ở, Bác đã hỏi: "Tại sao cả một khu phố như vậy mà không thấy ai quan tâm đến một gia đình như cô Tín? Chúng ta đã quá quan liêu để không biết những câu chuyện như vậy ở ngay thủ đô nước mình".

Nếu bây giờ Bác Hồ hoặc bất kỳ ai hay tin về những vụ bạo hành trong các khu dân cư âm ỉ hàng chục năm - biểu hiện của sự thờ ơ, vô cảm - chắc chắn là Bác sẽ buồn biết bao nhiêu? Mong rằng, mỗi lần nhớ đến Bác với những câu chuyện như thế này, bệnh quan liêu sẽ được thuyên giảm. Nên chăng, cuối năm, chúng ta nên lắng lại để nhìn lại mình và nhớ tới những người sống quanh mình, để trái tim cởi mở hơn, ấm áp hơn.

Lúc ấy, Người đã nói về tinh thần "lá lành đùm lá rách" mà chúng ta vẫn luôn cho rằng đó là truyền thống quý báu của mình. Trước hết là trách nhiệm của khu phố, và như Bác nói "điều lớn nhất vẫn là trách nhiệm của Chính phủ".

Xuân sang, nhớ Bác - nhớ về những gì bác đã làm để nghĩ về hôm nay...

Ngày ấy Bác Hồ đã đích thân nhờ cảnh vệ đi tìm một gia đình nghèo thực sự để chúc Tết, vì thế, sau nhiều ngày, người thân cận bên Bác mới có thể tìm đến đúng nhà cô Tín. Và như Bác nói là "đu đúng người thật, việc thật".

Bác còn nói một chữ "nếu": "Nếu mà mình báo trước với thành phố, hỏi nhà nào nghèo nhất thì chắc chắn không phải nhà cô Tín rồi...".

Điều ấy khiến ta giật mình vì đến nay những chuyện viếng thăm đầy tính hình thức, thiếu tính thực tâm đâu đã mất đi?

Gương soi mỗi độ Xuân về

Giở những trang báo Xuân, năm nào cũng vậy, luôn gặp những câu chuyện về Bác. Đó là điều rất đỗi tự nhiên và dễ hiểu, không cần phải đợi đến những đợt vận động hay thi đua nào để thấm thía những lời nói và hành động vì nước, vì dân của Người. Bản thân những câu chuyện thật, việc thật - dù chỉ bình dị thôi - nhưng luôn có sức lan truyền.

Câu chuyện này gieo cho chúng ta một mong ước trước thềm Xuân rằng: Mỗi "người trong một nước" rung động với nhau nhiều hơn, Chính phủ và các cấp chính quyền đến gần dân hơn - để không còn những cảnh nghèo như gia đình chị Nguyễn Thị Tín - thì nước mới mạnh.

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Ái Quốc

Cách đây 81 năm, tại Thủ đô Pari (nước Pháp), tờ báo in tiếng Pháp (La vie ouvriere) "Đời sống công nhân", cơ quan Trung ương của Tổng Liên đoàn Lao động Pháp đã cho đăng và đóng khung ở trang nhất nội dung thông tin quảng cáo rất ngắn, chỉ với 34 chữ như sau "Giới thiệu với độc giả và các bạn: ảnh chân dung nghệ thuật đủ kiểu. Giá từ 25 Frăng. Cả khung giá từ 45 Frăng. Nguyễn Ái Quốc, 3 phố chợ Depacteriácsơ Pari".

Công chúng Pari từng quen tên Nguyễn ái Quốc ký dưới nhiều bài báo đăng trên các tờ báo (Nhân đạo), (Điện tín quốc tê), (Công chúng), giờ biết thêm một sở trường mới của người thanh niên yêu nước Việt Nam kiếm sống bằng nghệ thuật nhiếp ảnh. Vào thập kỷ đầu của thế kỷ 20, kỹ thuật chụp ảnh đen trắng trên phim kẽm chỉ mới xuất hiện ở một số nước phương Tây. Khách chụp ảnh phần đông là giới thượng lưu, giàu có, chơi sang, họ rất khó tính, khắt khe, đòi hỏi tay nghề của người chụp ảnh rất cao. ảnh không đáp ứng nguyện vọng khách trả lại ngay và chi phí phim, giấy hóa chất, công sá của người thợ bỏ ra xem như mất trắng.

Chúng ta đều biết vào thời điểm này, Nguyễn ái Quốc chỉ sống nhờ vào sức lao động của mình để hoạt động, nghiên cứu, học tập, không có nguồn tài trợ nào bảo đảm bảo ổn định. Nếu ảnh bị khách trả lại sẽ đồng nghĩa với nguy cơ thất nghiệp, không có khả năng cân đối chi phí nguyên liệu, chưa kể tiền thuê phương tiện, phòng ở và tiền ăn hàng ngày. Hẳn là lường trước mọi thử thách mà suốt từ tháng hai năm 1920 đến đầu năm 1923, người thợ ảnh Nguyễn Ái Quốc vẫn duy trì được hiệu chụp ảnh, bảo đảm uy tín rửa ảnh, phóng ảnh cho nhiều "quý ông, quý bà" vốn rất kênh kiệu ở Thủ đô Pari.

Vào thời điểm Nguyễn Ái Quốc mở hiệu ảnh, nhận thấy xu hướng hoạt động chính trị của người thanh niên Việt Nam ngày càng bất lợi cho chế độ thực dân, Bộ trưởng Thuộc địa Anbe Xơrô chỉ đạo mạng lưới mật thám Pari theo dõi sát từng bước đi, tìm cách ngăn cản ảnh hưởng Nguyễn Ái Quốc đối với Đông dương và tầng lớp trí thức, lao động tiến bộ trong cộng đồng Việt kiều tại Pháp. Hiệu ảnh ở số 3 phố chợ Depacteriácsơ bị mật thám theo dõi, gây cản trở đối với khách chụp ảnh. Nguyễn ái quốc được các đồng chí trong Đảng Cộng sản Pháp giúp đỡ tìm địa điểm mới. Ngày 14-7 năm 1921, hiệu ảnh Nguyễn Ái Quốc chuyển đến nhà số 9, ngõ Công Poanh thuộc quận 17 Pari. Chiếc biển hiệu mới được treo lên mang dòng chữ Pháp: “Potrait - Agrandissements photographiques". Lịch sử đã ghi đậm dấu ấn căn nhà và ngõ phố nghèo nàn, lam lũ nhất Thủ đô Pari vào ký ức nhân loại về nghị lực, ý chí của người cộng sản Việt Nam đầu tiến trên đất Pháp. Với số tiền kiếm được ít ỏi từ nghề ảnh, Nguyễn Ái Quốc chỉ đủ thuê một căn buồng nhỏ, đặt vừa khít chiếc thường và cái bàn con. Cái thau rửa mặt phải để trên mặt bàn. Khi cần dùng bàn viết hoặc chấm ảnh, rửa ảnh, cái thau nước được đẩy vào gầm giường. Hai bữa ăn trong ngày của chủ căn buồng được nấu gộp làm một để tiết kiệm nhiên liệu và thời gian.

Chính trong căn buồng gác hai tồi tàn, giá lạnh, không bếp sưởi mùa đông, thiếu thốn đủ thứ này, Nguyễn Ái Quốc vừa cắm cúi làm đẹp những bức ảnh chân dung nghệ thuật vừa viết báo, viết kịch, viết văn tố cáo chính sách, chế độ thực dân tàn bạo ở Đông Dương, Bắc Phi, ấn Độ và châm biếm, đả kích cay độc tên vua bù nhìn Khải Định.

Cùng từ căn phòng chật chội này, những dự kiến về .tổ chức thành lập "Hội những người Việt Nam- yêu nước", thôi Liên hiệp thuộc định và xuất bản báo "Le Pa ria” được hình thành.Trong số những người giúp đỡ Nguyễn ái Quốc điều kiện sinh sống và hoạt động tại Pari từ năm 1919, ông Khánh Ký tỏ ra tích cực, chu tất nhất. Ông Khánh Ký tên thật là Nguyễn Văn Xuân quê gốc Ở ngoại thành Hà Nội, sang Pháp kinh doanh nghề chụp ảnh, buôn bán máy ảnh, dụng cụ, phương tiện, hóa chất in, tráng, phóng ảnh tại Pari. Ông Khánh Ký trực tiếp truyền nghề chụp anh, in tráng ảnh cho Nguyễn Ái Quốc và giới thiệu anh Nguyễn vào làm thuê kiêm học việc tại một- xưởng ảnh lớn, có uy tín ở Thủ đô Pari. Ông Khánh Ký còn giúp phương tiện, dụng cụ chấm ảnh cho Nguyễn Ái Quốc sau khi anh Nguyễn học nghề thành thạo ra mở cửa hiệu riêng.

Ba mươi năm sau, tại căn cứ địa kháng chiến ở Việt Bắc, Nguyễn Ái Quốc lúc này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần ân cần hướng dẫn nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định kỹ thuật chấm một bức ảnh sao cho đẹp. Vốn là “thợ ảnh" nghệ thuật, tự khẳng định trình độ tay nghề của mình tại Thủ đô Pari vào những năm 1920, Bác Hồ thường chỉ vẽ cách bố cục một bức ảnh sao cho tự nhiên, có hồn để anh em phóng viên thể hiện sinh động đề tài "Kháng chiến kiến quốc" trong tác phẩm ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật.

Những dịp đi chiến dịch, thông cảm với nguyện vọng của phóng viên muốn có một bức ảnh đẹp về vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc, Bác Hồ như cùng hòa đồng vào tâm tư, tình cảm của phóng viên, chủ động và tinh tế tạo dựng khung cảnh hài hòa cho nhà nhiếp ảnh chọn khoảnh khắc sáng tạo tác phẩm. Nhà nhiếp ảnh cộng sản Việt Nam đầu tiên Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khi về nước lãnh đạo cách mạng vẫn thường xuyên quan tâm tới nội dung chất lượng thông tin, hình thức thể hiện của thể loại ảnh báo chí. Từ sau ngày báo Nhân dân ra hàng ngày, bắt đầu in ảnh đen trắng, Bác Hồ nhắc nhở Tổng biên tập Hoàng Tùng, Trần Quang Huy, Vũ Tuân chú ý tính chân thật thể loại ảnh báo chí, tránh "kiểu bố trí chụp ảnh" nặng về hình thức trang trí hơn là phản ánh vẻ đẹp vón có của đời sống. Có khi xem xong, Bác Hồ sửa lại nội dung lời chú thích ảnh đăng trên báo rồi giao cho thư ký chuyển Ban Biên tập rút kinh nghiệm . Bác nhắc các báo quan tâm sử dụng ảnh "chân dung người tốt việc tốt" thật nhiều, thật thường xuyên. Những bức ảnh chân dung đăng báo đẹp, lột tả được tình cảm của nhân vật Bác dùng bút chì đỏ viết một chữ tốt bên cạnh rồi gửi tờ báo cho Ban Biên tập.

Vốn là nhà nhiếp ảnh, Bác Hồ rất đồng cảm với niềm vui thành công và nỗi day dứt khi thất bại trong nghề nghiệp của phóng viên. Vào một dịp đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội tại quận Ba Đình, nhận ra vẻ hất hoảng, lúng túng đến khổ sở của phóng viên khi bỏ lỡ thời khắc chụp hình ảnh của Bác thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, Bác Hồ đã mỉm cười, bàn tay Bác vỗ nhẹ mấy lượt trên mặt hòm phiếu. Hiểu ý Bác cho chụp lại, phóng viên Việt Nam thông tấn xã đã bình tĩnh chỉnh đèn chụp lần thứ hai. Anh phóng viên đã có được bức ảnh lịch sử, khắc họa hình ảnh lần cuối cùng Bác Hồ bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội trước khi thanh thản sang “thế giới người hiền". Cũng vào dịp về thăm quê hương lần thứ 2 (tháng 12 năm 1961), khi Bác vào tới sân căn nhà ở quê nội Kim Liên, chẳng hiểu sao một nữ phóng viên leo lên đống rơm để chọn độ cao chụp ảnh đã bị ngã. Bác quay lại ân cần hỏi cô phóng viên có bị đau lắm không. Cô phóng viên xúc động đáp lời Bác và khẩn khoản xin được chụp ảnh Bác. Cô nói thêm nguyên nhân phải leo lên cao để chụp ảnh Bác vì cô thấp người không thể chen lấn vào gần Bác như cánh nam nhà báo được. Nghe cô phân trần, Bác cười bao dung và bảo mấy cháu "nhà báo trai" tả ra nhường vị trí thuận lợi cho cháu "nhà báo gái” chụp ảnh Bác.

Từ năm 1917 đến giữa năm 1923, Bác Hồ sống và hoạt động cách mạng tại Pháp với tên gọi là Nguyễn Ái Quốc. Ngoài nghề ảnh, Nguyễn ái Quốc còn nhận vẽ trang trí đồ gốm sứ mỹ nghệ để kiếm sống. Năm 1979, báo "Đời sống công nhân” của Tổng Liên đoàn Lao động Pháp tổ chức trang trọng lễ kỷ niệm 70 năm thành lập báo (1909 - 1979), tờ báo dành vị trí quan trọng đăng bài nói về thời hoạt động đầy ý nghĩa lịch sử và thời đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, có ảnh hưởng lớn lao tới phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Pháp từ những năm 20, thế kỷ 20. Bài báo có đoạn viết: " Tại đây (Pari) trong những năm 1920, một hanh niên di cư người Đông Dương kiếm sống bằng nghề in, phóng ảnh ở phố chợ Depacteriács đã làm cho nhiều người phải chú ý về những lời tố cáo đanh thép chống chủ nghĩa thực dân...".

Từ nhận định của tờ báo công đoàn Pháp vào thập kỷ 70 về Bác Hồ đã từng lao động bằng loại hình nghệ thuật đòi hỏi trình độ cao, mặ dù nguồn tư liệ chưa tổng hợp được nhiều nhưng cũng đủ cơ sở để chúng ta khẳng định mối quan hệ trực tiếp, có ảnh hưởng sâu sắc giữa nghề nghiệp Bác Hồ lựa chọn kiếm sống với tài năng tổ chức xuất bản báo sau này, đặc biệt là năng lực thẩm định nội dung, hình thức ảnh báo chí - một thể loại gây cảm xúc mạnh và tăng sức hấp dẫn của báo chí.

Làm báo trên quê hương cách mạng tháng Mười

Kể từ khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp năm 1920, Bác Hồ khát khao mong được đến Tổ quốc của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã làm rung chuyển thế giới. Từ Pari, trong tâm trí của mình, Bác nhận thấy cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Bác không thể không đến với Bộ tham mưu tối cao Quốc tế cộng sản do Lê nin sáng lập đóng tại Matxcơva. Bác thể hiện quan điểm, tình cảm của mình với Cách mạng Tháng Mười Nga trong nhiều bài viết đầy tính chiến đấu đăng trên báo L'humanité, “Nhân đạo" cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, “Điện tín Quốc tế” cơ quan tuyên truyền của Quốc tế Cộng sản III, Le Paria "Người cùng khổ", tờ báo do Bác sáng lập và là chủ bút kiêm thư ký Tòa soạn, họa sỹ trình bày mặt báo.

Khát vọng tìm đến đất nước Lê nin càng cháy bỏng khi ở Pari Bác đọc "Sơ thảo luận cương về các vấn đề Dân tộc và thuộc địa" của Lê nin, sung sướng tìm thấy con đường cách mạng đúng đắn để giải phóng dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ thực dân Pháp.

Mùa hè năm 1923, từ Pari tráng lệ, vượt qua mạng lưới mật thám dày đặc, Bác bí mật rời khỏi ga Đuynô bằng xe lửa tốc hành đến thành phố cảng Hăm buốc (nước Đức) với giấy đi đường mang tên Chen Vang.

Tại Hăm buốc, nhờ đồng chí Brađôpxky là cán bộ Đại sứ quán Liên Xô trực tiếp can thiệp, Bác Hồ được phép nhập cảnh vào Liên Xô với nội dung như sau "Cộng hòa Liên bang xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga. Giấy đi đường số 1829. Người mang giấy: Chen Vang; Sinh ngày 15-02-1895 Ở Đông Dương. Nghề nghiệp: Thợ ảnh. Đi đến: Nước

Nga". Rời nước Đức từ ngày 26-06-1923 trên chiếc tàu thuỷ mang tên nhà cách mạng vô sản Đức (Các lip nếch). Bác Hồ đến thương cảng Pêtơrôgờrát vào sáng ngày 30-06-1923.

Đến Liên Xô, sau 4 tháng, bằng ảnh hưởng, uy tín hoạt động quốc tế của mình, Bác được mời tham dự Đại hội của đại diện của 40 nước lập ra "Quốc tế nông dân" họp tại điện Kremli với 158 đại biểu. Tại Đại hội của tổ chức nông dân toàn thế giới khai mạc vào ngày 12-10-1923, Bác Hồ được bầu vào Hội đồng thường trực với 52 uỷ viên. Hội đồng Nông dân Quốc tế họp phiên toàn thể ngày 17-10-1923 đã bầu Đoàn chủ tịch gồm 11 uỷ viên, trong đó có Bác Hồ.

Với kinh nghiệm sử dụng báo chí làm công cụ giáo dục, tuyên truyền tập hợp lực lượng cách mạng của mình, sau Đại hội Nông dân Quốc tế, khi tham gia nội dung chương trình hành động của Đoàn chủ tịch, Bác đề nghị thành lập Ban tuyên truyền và xuất bản tờ báo Chính trị của Quốc tế Nông dân. Đoàn chủ tịch Quốc tế Nông dân chấp nhận ý kiến đề xuất của Bác xuất bản Tạp chí "Quốc tế Nông dân". Đầu năm 1924, Tạp chí "Quốc tế Nông dân" ra mắt bạn đọc, được chuyển tới 40 nước thành viên tham gia Quốc tế Nông dân. Bác Hồ làm việc tại trụ sở Quốc tế Nông dân đặt tại ngôi nhà số 14 phố Vadơđơnhigin với cương vị theo dõi, phụ trách, chỉ đạo phong trào nông dân ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa.

Với tư cách là người sáng lập Quốc tế Nông dân, trực tiếp chỉ đạo nội dung Tạp chí "Quốc tế Nông dân", Bác vừa tham gia tổ chức nội dung xuất bản, vừa viết bài. Trong số 1 của Tạp chí,Quốc tế Nông dân" Bác gửi đăng 3 bài: "Tình cảnh nông dân Việt Nam", hình cảnh nông dân Trung Quốc", hình cảnh nông dân Bắc Phi". Vào thời điểm này, Bác đã dịch "Lời kêu gọi Quốc tế Nông dân” ra tiếng Việt gửi về Việt Nam và dịch sang tiếng Pháp gửi đăng trên báo Le Pa ria "Ngườicùng khổ", báo L'humanité "Nhân đạo".

Bác thấm đậm nỗi đau và sự khốn cùng của giai cấp nông dân Việt Nam, nông dân Bắc Phi nên những bài viết tố cáo, lên án chế độ đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp, thực dân Anh đầy sức thuyết phục.

Những bài báo của Bác đăng trên Tạp chí Đỏ (cơ quan lý luận của Quốc tế Cộng sản III), Tạp chí “Ngọn lửa nhỏ", "Sự thật” cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Liên Xô từ tháng giêng đến tháng 10 năm 1924 đều tập trung chủ đề bảo vệ quyền lợi chính trị, kinh tế, xã hội của tầng lớp lao khổ mà đối tượng phản ánh là nông dân, công nhân Ở Ấn độ, Angiêri, Trung Quốc, Đông Dương, Tuynidi. Đến Liên Xô vào cuối tháng 6 năm 1923, lo lắng vấn đề thuộc địa sẽ ít được Đảng Cộng sản Pháp quan tâm, tháng. 7 năm 1923, Bác Hồ đã gửi thư cho các đồng chí trong Trung ương Đảng Cộng sản Pháp tỏ thái độ phê phán tờ báo "Nhân đạo" bỏ mục "Diễn đàn của các thuộc địa". Bức thư có đoạn " …Những cái diễn đàn đó về vấn đề thuộc địa bị báo Nhân đạo bỏ đi đột ngột. Không có phương tiện làm việc và hoạt động, Ban nghiên cứu các vấn đề về thuộc địa bị tê liệt. Điều đó làm cho những tờ báo lớn tư sản hài lòng, những tờ đó thường xuyên dành cả trang cho việc tuyên truyền vấn đề thuộc địa và chúng luôn luôn sợ bị cải chính và vạch trần. Điều đó đặc biệt gây ra những cảm giác nặng nề trong nhân dân các thuộc địa... Thay vì tăng cường tuyên truyền, chúng ta (chỉ Đảng Cộng sản Pháp) đã đánh trống bỏ dùi”. Và Bác đã đề nghị mở lại chuyên mục "Thuộc địa” trên báo "Nhân đạo”, để " …Người đọc làm quen với các việc của thuộc địa...". Để có nguồn tư liệu viết báo, Bác tranh thủ mọi thời gian gặp gỡ đại biểu 40 nước tới Mátxcơva dự Đại hội Quốc tế Nông dân. Bác thường xuyên đến thư viện Rumianxép gần Điện Kremli, một thư viện đồ sộ, lớn nhất Mátxcơva để tra cứu tài liệu, làm phong phú những kiến thức khi viết những bài báo có tầm khái quát lớn, định hướng, chỉ đạo phong trào cách mạng Quốc tế với những vấn đề dành riêng cho cách mạng Việt Nam. Những bài báo của Bác viết cho báo chí Đảng Cộng sản Liên Xô, báo chí Đảng .Cộng sản Pháp và báo chí của Quốc tế Cộng sản III; ngoài tính chất hiện thực sinh động, khả năng phân tích sâu sắc, bút pháp sắc bén, trình độ lập luận chặt chẽ còn chan chứa tình cảm khi đề cập tới số phận những người cùng khổ nhất trong những người cùng khổ.

Trong một bài báo viết về tình cảnh người nông dân Bắc Phi bị thực dân Pháp áp bức, bóc lột, Bác nêu dẫn chứng: "... Hàng vạn người dân da trắng Ồ ạt kẻo đến đuổi nông dân bản xứ đi để cướp ruộng đất. Ở Angiêri và Tuynidi, thực dân Pháp đã cướp 1800.000 héc ta ruộng đất của nông dân, 2.700.000 héc ta rừng, 800.000 héc ta công điền. Cũng Ở Ma rốc, chúng đã cướp 545.000 héc ta đất đai..." và Bác kết luận bài báo “... Nông dân Bắc Phi sẽ biến khỏi quả đất nếu giai cấp vô sản không thức tỉnh họ và đến cứu họ...".

Cũng vào cuối năm 1923, Bác được cử vào công tác ở Ban phương Đông thuộc Quốc tế Cộng sản III. Lĩnh vực công tác của Bác ở Ban phương Đông có mối quan hệ trực tiếp đến phong trào cách mạng ở Trung Quốc, Đông Dương nên những bài báo của Bác và cả những bức thư gửi từ Liên Xô tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đều đề cập tới vấn đề giải phóng thuộc địa, đặc biệt là Vấn đề việt Nam. Các đồng chí trong "Hội Liên hiệp thuộc địa” theo đề nghị của Bác đã tìm mọi cách chuyển báo Le Paria "Người cùng khổ", L'humanité "Nhân đạo", Tạp chí Cộng sản từ Pháp về Việt Nam. Các bài báo của Bác đăng trên những tờ báo tiến bộ vào năm 1923, 1924 đã về tới trường Bưởi (Hà Nội), trường Quốc học (Huế) và Sài Gòn thức tỉnh, cổ vũ, lôi cuốn thế hệ thanh niên Việt Nam hướng tới chân lý cách mạng của thời đại, thúc giục họ tìm con đường mới cứu nước, cứu dân, bất chấp sự đầu độc hệ tư tưởng cam chịu số phận nô lệ của thực dân Pháp.

Trong một thời gian không dài ở đất nước Lênin (từ 30-06-1923 đến 25-09-1924) do ảnh hưởng và uy tín hoạt động chính trị của mình, Bác Hồ đã góp phần làm thay đổi quan điểm, mục tiêu, tôn chỉ tuyên truyền về vấn đề giải phóng thuộc địa của hệ thống báo chí Xô viết Nga. Bạn đọc Liên xô đã quen thuộc bút danh Nguyễn Ái Quốc trên các tờ báo "Nữ lao động" mỗi tuần phát hành 6 vạn số, cơ quan của Ban Phụ vận trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Nga, báo "Công nhân" cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Liên Xô. Trong bài viết về "Phụ nữ phương Đông" đăng trên báo ;Nữ lao động", Bác Hồ tố cáo thực dân Anh bóc lột lao động nữ ở ấn Độ như sau: "... Những mỏ này dùng 42.000 phụ nữ và 1.117 trẻ em. Thật là điều sỉ nhục cho thế kỷ 20 khi thấy những phụ nữ gập người dưới thúng than, bước đi run run nhưng vẫn cứ bước đi vì đói và những trẻ em từ 12-13 tuổi bò trong các máng than, vừa bò vừa dùng răng kéo những thúng than...". Cũng trên tờ báo "Nữ lao động", khi đề cao vai trò, ý chí đấu tranh của phụ nữ, Bác Hồ viết “ . . . Phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia bảo vệ đất nước chống sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Phụ nữ Ấn Độ đứng dậy chống bọn thống trị Anh. Phụ nữ Trung Quốc tham gia cách mạng năm 1912. Phụ nữ Triều Tiên đã và đang chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Phụ nữ Nhật Bản đòi Chính phủ họ xóa bỏ đạo luật cấm phụ nữ tham gia sinh hoạt chính trị . . . Trong đời sống kinh tế những "Bông hồng" phương Đông cho chủ nghĩa tư bản thấy rằng họ có những gai nhọn chọc rất đau. Những cuộc bãi công của phụ nữ lao động không còn là hiện tượng hiếm thấy ở nhà máy và xưởng dệt lụa".

Tạp chí "Thư tín Quốc tế”, cơ quan tuyên truyền và lý luận của Quốc tế Cộng sản, năm 1924 tên tục đăng nhiều bài báo mang tính lý luận sắc sảo thực tiễn sinh động, giàu sức truyền cảm của Bác Hồ như: "Đông Dương và Thái Bình Dương", "Chủ nghĩa đế quốc Pháp dám làm những gì", "Sự Phá sản của thực dân Pháp", "Chủ nghĩa thực dân", "Những cái tốt đẹp của nền văn minh Pháp", “Hành hình kiểu Linsơ của Mỹ", "Các nước đế quốc và Trung Quốc", "Công cuộc khai hóa giết người", “Thống chế Liôtây và bản tuyên ngôn nhân quyền", “chủ nghĩa thực dân bị lên án", "Đảng Ku Klux Klan” . . .

Những bài báo viết trên đất nước Lê nin của các Hồ có giá trị vạch trần bản chất thối nát của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, dự báo sớm nguy cơ chủ nghĩa phát xít và thảm họa do nó gây ra trên phạm vi thế giới. Bằng những con số chính xác, sự kiện nóng hổi, Bác phân tích, nhận định xu thế phát triển cuộc đấu tranh cách mạng tất yếu của giai cấp công nhân, mối quan hệ gắn bó giữa giai cấp nông dân với giai cấp công nhân trên con đường cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Một đặc trưng trong nội dung và chủ đề bài viết, dưới bất kỳ thể loại nào, Bác đều đề cập tới thực trạng xã hội, sự phân hóa giai cấp, mâu thuẫn thời đại, xu thế phát triển tiến bộ, khả năng cách mạng của tầng lớp nhân dân lao động ở các nước thuộc địa. Và từ những tác phẩm chính luận được tổng kết trong thời gian hoạt động chính trị ở Pháp kết hợp với nguồn tri thức, lý luận tích lũy suất quá trình công tác tại 0Quốc tế Nông dân", "Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản", Bác Hồ đã hoàn thành tác phẩm nổi tiếng "Bản án chế độ thực dân Pháp" tại Mátxcơva. Bản thảo tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp được gửi cho các đồng chí Cộng sản Pháp kịp in ở Nhà xuất bản Lao động Pháp trước khi Bác nhận trách nhiệm ủy viên Ban phương Đông, phụ trách Cục phương Nam, tới Quảng Châu (Trung Quốc) chỉ đạo phong trào cách mạng các nước Đông Nam châu Á theo quyết định của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản ngày 25-9-1924.

Từ câu trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ ngày 11 - 9 - 1946 tại Pari

Trong chuyến thăm nước Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1946, Hồ Chủ tịch đã có nhiều cuộc tiếp xúc với giới báo chí thế giới đang tập trung "săn tin" về Hội nghị Phôngtennơbơlô.

Ngoài 26 tờ báo với màu sắc chính trị tả hữu khác nhau của Pari và miền Tây nước Pháp, một số tờ báo lớn của nước Mỹ, Anh, Trung Quốc cũng có mặt quanh khu vực Hội nghị Phôngtennơbơlô. Một số nhà báo tên tuổi thế giới và khu vực châu Âu vào thời kỳ đó rất có cảm tình với Hồ Chủ tịch, họ đã gặp Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng phỏng vấn những vấn đề liên quan đến thái độ, lập trường chính trị của phái đoàn Việt Nam. Đáng chú ý là nhà báo Mỹ Đêvítsơnbrum, một nhà báo có ảnh hưởng rất lớn đối với Tổng thống Mỹ Aixenhao, Tổng thống Pháp Đờgôn. Trong cuốn sách của ông được dịch ra tiếng Pháp, tái bản tại Pari năm 1984 đã dành những trang sinh động ghi lại nội dung cuộc phỏng vấn Bác Hồ ngày 11-9-1946 tại Xanh Cờlu (Pari) vào thời điểm nóng bỏng không khí chính trị do phía Pháp kéo dài Hội nghị Phôngtennơbơlô, dây dưa trả lời những đòi hỏi chính đáng về quyền lợi độc lập dân tộc của phái đoàn Việt Nam. Trước khi Bác ký Hiệp ước 14 - 9, nhà báo Đêvítsơnbrum đã bằng mọi cách gặp và xin được phỏng vấn Bác. Dưới đây là cuộc phỏng vấn.

Đêvítsơnbrum: "Chủ tịch nghĩ thế nào mà tính đánh lại người Pháp trong khi chưa có quân đội, chưa có vũ khí hiện đại?"

Bác trả lời: "Chắc chắn sẽ là gay go, nhưng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng. Chúng tôi có một đạo quân ít ra cũng mạnh bằng xe tăng, đại bác. Đó là chủ nghĩa dân tộc. Ông chớ nên đánh giá thấp, nhất là người Mỹ các ông. . .". Rồi Bác điềm tĩnh lý giải sức mạnh đoàn kết của cuộc chiến tranh toàn dân: ". . . Đầm lầy có hiệu quả hơn súng chống tăng. Rừng rậm thì máy bay, bom đạn làm gì được. Có hang trên núi thì chỉ một người nấp bắn có thể cự hàng trăm người và chúng tôi có hàng triệu túp lều tranh, mỗi túp lều đều là một con ngựa thành Tơ roa đặt sẵn đó, sẵn sàng đánh quật lại bất cứ quân xâm lược nào". Câu trả lời phỏng vấn một nhà báo Mỹ của Bác tại Thủ đô Pari đã được minh chứng sau 9 năm kháng chiến gian khổ, quyết liệt và đã giành được thắng lợi.

Trong lịch sử thông tin báo chí trên thế giới, ít có một nhân vật được báo chí phía đối lập chế độ chính trị phản ánh với một thái độ trân trọng, khách quan như Bác Hồ của chúng ta. Tổng kết về sự thất bại cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương và Việt Nam, riêng ở Mỹ đã có hàng nghìn đầu sách. Và cuốn sách nào cũng đề cập vai trò quyết định của Hồ Chủ tịch tới mỗi chủ trương, quyết sách có quan hệ đến vận mệnh đất nước, dân tộc Việt Nam.

Bất cứ tờ báo tư bản nào mà chẳng bảo vệ quyền lợi chính trị của giai cấp tư sản. Ấy thế mà khi nhắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyệt nhiên không có tờ báo tư bản nào lại có giọng điệu thiếu nhã nhặn. Đương nhiên tính chất của báo chí tư sản không vì thế mà thay đổi nội dung chính trị vốn có.

Còn nhớ khi Bác Hồ "đi theo cụ Lênin, cụ Cácmác" vào tháng 9 - 1969, tờ "Thế giới hàng ngày", một trong những tờ báo lớn của Mỹ đã đăng bài ca tụng trên mười số với tiêu đề "Di sản của Hồ Chí Minh". Số báo ra ngày 20-9-1969 đăng bài với nội dung: ". . . Hồ Chí Minh không những tìm ra con đường đi tới tự do mà còn sáng lập và xây dựng công cụ lãnh đạo là chính Đảng Mác - Lê nin. Chính Đảng đó đã lãnh đạo toàn diện cuộc đấu tranh của quần chúng nhằm đánh đổ ách thống trị của bọn xâm lược và đưa Nhà nước mới có chủ quyền tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa và trước hết tạo ra cho dân tộc Người ý chí và nghệ thuật bảo vệ linh hồn và lãnh thổ của mình chống lại các cuộc xâm lược của lực lượng quân sự viễn chinh được trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại bậc nhất và vô lương tâm chưa từng thấy. . .".

Một tờ báo có số lượng phát hành hàng chục triệu bản và ảnh hưởng rất lớn ở Mỹ - tờ "Bưu điện Hoa Thịnh Đốn" đã viết về Bác Hồ với sự thành kính đặc biệt: "Không một nhà hoạt động lớn nào trong thập kỷ cách mạng dân tộc đầy sôi động này lại sống lâu, có ảnh hưởng lớn trên thế giới, thực hiện nhiều sách lược và đường lối với nhiều mối thách thức to lớn như vị lãnh tụ cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh. Con người mảnh khảnh đó với đôi mắt bốc lửa đã trải qua nhiều nghề nghiệp từ khi còn là người bồi bàn trên tàu thủy, làm nghề rửa bát, làm cấp dưỡng, giáo viên, làm ảnh để rồi trở thành nhà tổ chức không mệt mỏi, vươn lên trên cả những nhân vật đương thời".

Sau hai ngày Bác Hồ kính yêu của chúng ta ra đi vào cõi vĩnh hằng, ngày 04-9-1969, tờ "Thời báo Niu Oóc" đăng bài viết: "Trong số các chính khách của thế kỷ 20, Hồ Chí Minh là nhân vật nổi bật về tính bền bỉ dẻo dai và lòng kiên nhẫn trong việc tìm kiếm mục tiêu độc lập cho Việt Nam và về sự thành công trong việc dung hòa giữa Chủ nghĩa cộng sản với Chủ nghĩa dân tộc...".

Hẳn không thể có lời bình luận gì hơn về sự ghi nhận, đánh giá, khẳng định tôn trọng một cách thẳng thắn của giới báo chí tư bản, đặc biệt là báo chí nước Mỹ đối với Bác Hồ của chúng ta.

CHÚC TỤNG BÁC HỒ

Vị thánh sống của nghìn thánh sống
Và ân nhân của cả muôn đời
Hồ Chí Minh! - Chưa dễ thấy người
Chúng tôi đây bọn mù mắt sáng!

Dù giặc Mỹ trút bao bom đạn
Và dọa bom nguyên tử tối tân
Chúng tôi đây vẫn cứ vững lòng
Bởi có Người, Việt Nam chiến thắng.

Cuộc đời Người như bông huệ trắng
Như mặt gương càng ngắm càng trong
Quỷ Mỹ kia đỏ vỏ đen lòng
Không che nổi mắt Người tỏa sáng

Trái đất còn mây mù ảm đạm
Vẫn không che nổi ánh mắt Người
Sẽ biết ơn, nhân loại đời đời
Hát bài ca ngợi tên tươi thắm.

(
Ismael Gomes Braga (Brazil)[117]:)

MỘT CON NGƯỜI CHỦ NGHĨA MAC SINH RA

Xin Bác cứ tập bài quyền buổi sáng
Như mọi ngày trời mới rạng đông
Và xem như không có cháu vào thǎm
Cháu xin phép dạo quanh vườn đây đó.

Ta sẽ đến thǎm ngôi nhà Bác ở
Thǎm vườn cây còn ấm mãi hơi Người
Thǎm bụi hoa nhài, nhớ Bác khôn nguôi
Hoa vườn Bác, Bác tự tay chǎm chút
Bác không nhắc, ta quên hoa râm bụt
Bởi trong ta, còn cỏ nội hoa hèn
Đời sẽ nghèo nếu trong bước đi lên
Ta quên hết sắc hương ta đã có
Hương dẫu thoảng cũng khiến đời giàu có
Biết ơn Người chủ nghĩa Mác sinh ra
Đẹp thế đó nâng niu từng cây cỏ...
Ta sẽ đứng dừng bên cây vú sữa
Cây của miền Nam được Bác Hồ trồng
Ngay sát đầu nhà, để có thể bên song
Người - hôm sớm, ngắm vun cây, tưởng nhớ...
Ta chẳng thấy Bác trồng hoa chậu nhỏ
Có lẽ vì không muốn bó vào khuôn

Hai chữ thiên đường ta hiểu đúng hơn
Đâu phải chỉ những lâu đài cao ngất
Mà trước hết là tự do, độc lập
Cho mỗi cuộc đời, cho cả cỏ hoa!

Một con người chủ nghĩa Mac sinh ra
Đẹp thế đó, ôi linh hồn của Đảng...
Xin Bác cứ tập bài quyền buổi sáng
Như mọi ngày trời mới rạng vầng đông.
Và xem như không có cháu vào thǎm
Cháu xin phép dạo quanh vườn đây đó...

Ta quen quá vì vẫn là lối ngõ
Của nghìn xưa, làng mạc cũ quê nhà
Chẳng có lâu dài lộng lẫy nguy nga
Ôi sau trước Bác Hồ ta không khác!
Đừng dệt nhé chuyện thần kỳ về Bác
Chữ thần kỳ Bác riêng tặng nhân dân
Đảng ta lập ra gian khổ muôn phần
Lập ra Đảng là một người giản dị
Người nguyện sống trọn cuộc đời chiến sĩ
Thǎm vườn Người, ta cứ nghĩ vườn ta!
Một con người chủ nghĩa Mác sinh ra
Đẹp thế đó, giữa nếp nhà thanh bạch...

Trong vườn rộng, đâu chỗ người tiếp khách?
Đâu hồ sen? đâu những khóm hoa hồng?
Xưa, người dân khi đến trước sân rồng
Lưng cúi gập vì thấy mình bé lại
Ta đi giữa vườn Người, lòng thư thái.
Ngẩng cao, nghe dưới gót sỏi cười
Ôi vui sao, ta thấy bên Người
Như thấy lớn cạnh vua Hùng dựng nước
Nhưng Người khác những vua hùng thuở trước
Sống cuộc đời y hệt cuộc đời ta
Một con người chủ nghĩa Mác sinh ra
Đẹp thế đó, ôi linh hồn của Đảng...
Xin Bác cứ tập bài quyền buổi sáng
Như mọi ngày mới rạng vầng đông.
Và xem như không có cháu vào thǎm
Cháu xin phép dạo quanh vườn đây đó...

Ta muốn hỏi chim nào quanh trướỏc ngõ
Phải chim xưa lánh nạn đến vườn Người
Chim nhớ Bác Hồ thờ thẫn chim ơi
Lòng Người rộng hơn biển khơi, chưa hết...
Chim có thấy những canh khuya, ngừng viết
Trên chiếc ghế tre, im lặng Người ngồi
Đừng tưởng Bác Hồ chỉ có vui thôi
Có những lúc Bác Hồ buồn ghê gớm
Đấy là lúc: ta sai lầm to lớn
Quên mọi người, ta chỉ thấy mình ta!
Một con người chủ nghĩa Mác sinh ra
Đẹp thế đó, không dung mình sống nhỏ...

Ta sẽ đến thǎm ngôi nhà Bác ở
Để lòng ta tưởng niệm nhớ ơn Người
Bác đã cho ta, Bác đã cho đời
Lẽ sống của ngày mai trên trái đất
Lẽ sống đẹp, không coi mình cao nhất
Mong kiếp người, ai cũng cất đầu cao
Có thể con người chiếm lĩnh các vì sao
Nhưng lẽ sống đến vườn Người mới thấy!
Xin Bác cứ tập bài quyền buổi ấy
Như mọi ngày trời mới rạng vầng đông
Nghìn nǎm sau, những thế hệ xa xǎm
Đến vườn Bác, khỏa tâm hồn cộng sản...

(HẢI NHƯ - 100 NGÀY BÁC QUA ĐỜI)

VIẾNG LĂNG BÁC

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.

Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này...

1976 (VIỄN PHƯƠNG)

VIỆT BẮC

- Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

- Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...

- Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?

- Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu...
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia sông Ðáy, suối Lê vơi đầy
Ta đi, ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...

Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô
Nhớ sao lớp học i tờ
Ðồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa...

Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Ðất trời ta cả chiến khu một lòng.

Ai về ai có nhớ không?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng
Nhớ từ Cao-Lạng nhớ sang Nhị Hà...
Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miềm
Hòa Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về
Vui từ Ðồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

Ai về ai có nhớ không?
Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang.
Nắng trưa rực rỡ sao vàng
Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công
Ðiều quân chiến dịch thu đông
Nông thôn phát động, giao thông mở đường
Giữ đê, phòng hạn, thu lương
Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu...

Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi
Ở đâu đau đớn giống nòi
Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.
Mười lăm năm ấy ai quên
Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hòa
Mình về mình lại nhớ ta
Mái đình Hồng Thái cây đa Tân Trào.

- Nước trôi nước có về nguồn
Mây đi mây có cùng non trở về?
Mình về, ta gửi về quê
Thuyền nâu trâu mộng với bè nứa mai
Nâu này nhuộm áo không phai
Cho lòng thêm đậm cho ai nhớ mình
Trâu về, xanh lại Thái Bình
Nứa mai gài chặt mối tình ngược xuôi.

- Nước trôi, lòng suối chẳng trôi
Mây đi mây vẫn nhớ hồi về non
Ðá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Chàm nâu thêm đậm, phấn son chẳng nhòa.
Nứa mai mình gửi quê nhà
Nước non đâu cũng là ta với mình
Thái Bình đồng lại tươi xanh
Phên nhà lại ấm, mái đình lại vui...

- Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?
Phố đông, còn nhớ bản làng
Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?
Mình đi, ta hỏi thăm chừng
Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui?

- Ðường về, đây đó gần thôi!
Hôm nay rời bản về nơi thị thành
Nhà cao chẳng khuất non xanh
Phố đông, càng giục chân nhanh bước đường.
Ngày mai về lại thôn hương
Rừng xưa núi cũ yêu thương lại về
Ngày mai rộn rã sơn khê
Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng.
Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng
Phố phường như nấm như măng giữa trời
Mái trường ngói mới đỏ tươi.
Chợ vui trăm nẻo về khơi luồng hàng
Muối Thái Bình ngược Hà Giang
Cày bừa Ðông Xuất, mía đường tỉnh Thanh
Ai về mua vại Hương Canh
Ai lên mình gửi cho anh với nàng
Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Ðịnh, lụa hàng Hà Ðông
Áo em thêu chỉ biếc hồng
Mùa xuân ngày hội lùng tùng thêm tươi
Còn non, còn nước, còn trời
Bác Hồ thêm khỏe, cuộc đời càng vui!

- Mình về với Bác đường xuôi
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người
Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường!
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người...

- Lòng ta ơn Ðảng đời đời
Ngược xuôi đôi mặt một lời song song.
Ngàn năm xưa nước non Hồng
Còn đây ơn Ðảng nối dòng dài lâu
Ngàn năm non nước mai sau
Ðời đời ơn Ðảng càng sâu càng nồng.

Cầm tay nhau hát vui chung
Hôm sau mình nhé, hát cùng Thủ đô.

(TỐ HỮU)

NGƯỜI ĐI TÌM HÌNH CỦA NƯỚC

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác
Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre

Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương

Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn

Trăm cơn mơ không chống nổi một đêm dày
Ta lại mặc cho mưa tuôn và gió thổi
Lòng ta thành con rối
Cho cuộc đời giật dây

Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ
Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ
Tìm đường đi cho dân tộc theo đi

Hiểu sao hết "Người đi tìm hình của Nước"
Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người
Một góc quê hương nửa đời quen thuộc
Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi

Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất
Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai
Thế đi đứng của toàn dân tộc
Một cách vin hoa cho hai mươi lăm triệu con người

Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá
Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?

Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi
Những đất tự do, những trời nô lệ
Những con đường cách mạng đang tìm đi

Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa

Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?
Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?
Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ
Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?
Nụ cười sẽ ra sao?
Ơi, độc lập!
Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc
Khi tự do về chói ở trên đầu

Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông
Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt
Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc
Sao vàng bay theo liềm búa công nông

Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin

Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
"Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!"
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười

Bác thấy:
dân ta bưng bát cơm mồ hôi nước mắt
Ruộng theo trâu về lại với người cày
Mỏ thiếc, hầm than, rừng vàng, bể bạc
Không còn người bỏ xác bên đường ray

Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát
Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân
Những kẻ quê mùa đã thành trí thức
Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng

Nước Việt Nam nghìn năm Đinh Lý Trần Lê
Thành nước Việt nhân dân trong mát suối
Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói
Những đời thường cũng có bóng hoa che

Ôi! Đường đến với Lênin là đường về Tổ quốc...
Tuyết Mat-xcơ-va sáng ấy lạnh trăm lần
Trong tuyết trắng như đọng nhiều nước mắt
Lênin mất rồi. Nhưng Bác chẳng dừng chân

Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt
Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi
Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai

(CHẾ LAN VIÊN)

Template by:

Free Blog Templates