Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2009

DI SẢN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tại Việt Nam, ông được xem là nhân vật chính trong công cuộc giải phóng dân tộc. Đối với nhiều người, ông là một nhà yêu nước đã vận dụng chủ nghĩa cộng sản vào công cuộc giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân và đế quốc. Tính giản dị và kiên cường của ông được nhiều người kính mến.

Nhiều người dân Việt Nam yêu quý ông, gọi ông bằng cái tên thân mật "Bác Hồ". Trong văn thơ, ông còn được gọi là "Người Cha già dân tộc". Một số dân tộc thiểu số Việt Nam, như Vân Kiều, Pa Cô, Kor, đã lấy họ Hồ vì yêu quý ông[66]. Ông được thờ tại nhiều gia đình Việt Nam[1][67][68], cũng như tại nhiều gia đình Việt kiều ở Thái Lan[69], Lào[70]...và một số gia đình ở các nước khác như Na Uy[71].

Tuy nhiên, tại một số cộng đồng người Việt tại hải ngoại, đặc biệt là Hoa Kỳ, hình ảnh của ông bị phản đối mãnh liệt. Năm 1999, khi một người cho thuê băng đĩa treo chân dung Hồ Chí Minh trước cửa tiệm mình tại Little Saigon, hàng vạn người Mỹ gốc Việt và cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tham gia biểu tình phản đối, gây ra nhiều tranh cãi về vấn đề tự do ngôn luận tại Hoa Kỳ [72][73][74]. Một cuộc triển lãm nghệ thuật về ông tại Oakland, California năm 2000 cũng bị hàng nghìn người biểu tình phản đối[75] [76]. Là một biểu tượng của chính quyền Việt Nam, hình nộm của ông thường bị đem ra treo cổ và hình ảnh ông bị chà đạp trong nhiều cuộc biểu tình phản đối chính quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ[77] [75][78][79][80].

Là một người lãnh đạo cuộc đấu tranh của Việt Nam giành độc lập khỏi chế độ thực dân Pháp, với chiến thắng quyết định ở trận Điện Biên Phủ, ông được người dân ở những nước thuộc địa trước đây của Pháp, chủ yếu ở Bắc PhiTây Phi, kính trọng, và được coi như tấm gương cho cuộc giải phóng tại đất nước họ. Tên ông đã được đặt cho các đại lộ tại Luanda (Angola), tại Ouagadougou (Burkina Faso) và tại Maputo (Mozambique). Tại Berkeley, California, nơi có nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, nhiều nhà hoạt động cộng đồng đã từng gọi Công viên Frances Willard là Công viên Hồ Chí Minh một cách không chính thức.[81] Nhiều nước trên thế giới đã phát hành tem bưu chính kỷ niệm ông: Liên Xô, Ấn Độ, Lào, Madagascar, Algérie, Cuba, Đông Đức, Triều Tiên, Quần đảo Marshall, Dominica...Tượng đài ông được đặt tại nhiều thành phố trên thế giới, trong đó có La Havana (Cuba), Moskva (Nga), Zalaegerszeg (Hungary), Montreuil (Pháp), Calcutta (Ấn Độ) và Antananarivo (Madagascar).[82]

Tưởng niệm

Tượng Bác Hồ với thiếu nhi của Diệp Minh Châu tại TP. Hồ Chí Minh

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, phủ toàn quyền Đông Dương bên cạnh Quảng trường Ba Đình, nơi ông đã đọc Tuyên ngôn độc lập được chọn là nơi làm việc của Đảng, Nhà nước và đồng thời là nơi ở, nơi làm việc của Chủ tịch nước. Từ đó trở đi, nơi đây trở thành Khu di tích Phủ Chủ tịch. Khu này là nơi sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông - từ 19 tháng 12 năm 1954 đến 2 tháng 9 năm 1969 (đây cũng là khoảng thời gian ông có những đóng góp quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam). Khu di tích Phủ Chủ tịch hàng năm đón nhiều khách tham quan trong và ngoài nước.

Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội là khu tưởng niệm về Hồ Chí Minh lớn nhất Việt Nam. Tại các tỉnh thành phố khác cũng có các bảo tàng, nhà lưu niệm về ông, đặt tại những địa điểm ông đã từng sống và làm việc. Nổi bật nhất là bến Nhà Rồng tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông đã xuống tàu "Đô đốc Latouche Tréville" ra đi tìm đường cứu nước, và Nhà tưởng niệm xây dựng năm 1970 ở quê nội của ông. Tại các quốc gia khác cũng có các nhà lưu niệm về Hồ Chí Minh, chẳng hạn như ở Pháp. Ngoài ra còn có rất nhiều đài kỷ niệm và bia tưởng niệm. Tại Việt Nam, Hồ Chí Minh còn được thờ trong một số đền, chùa và gia đình. (Xem thêm Danh sách các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam)

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Sa Đéc

Nhằm tôn vinh ông, năm 1976, kỳ họp Quốc hội đầu tiên sau ngày Việt Nam được thống nhất đã thống nhất quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh. Chiến dịch quân sự lịch sử xảy ra trên thành phố này, kết thúc Chiến tranh Việt Nam và mở đầu thời kỳ thống nhất của Việt Nam cũng mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tên ông còn được đặt cho các giải thưởng và huân chương cao quý nhất của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Huân chương Hồ Chí Minh là huân chương bậc cao thứ nhì của Nhà nước; Giải thưởng Hồ Chí Minh dành cho những cống hiến trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. "Cháu ngoan Bác Hồ" là danh hiệu dành cho các thiếu nhi có thành tích cao trong học tập và hoạt động xã hội. Tên ông còn được đặt cho hai tổ chức chính của thanh thiếu niên Việt Nam: Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Mọi tờ tiền giấy tại Việt Nam hiện nay đều in hình chủ tịch Hồ Chí Minh

Các tên Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc hay Nguyễn Tất Thành còn được đặt cho nhiều công trình công cộng, như đường quốc lộ, quảng trường, đường phố, trường học.

Hình ảnh và tượng ông hiện diện tại nhiều nơi công cộng, cũng như trên tất cả các đồng tiền giấy đang lưu hành tại Việt Nam. Cùng với quốc kỳ, tượng bán thân hoặc hình ông được đặt tại nơi trang trọng nhất của mỗi cơ quan nhà nước và trường học tại Việt Nam.

Danh hiệu

Ông được xem là một danh nhân không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn của thế giới. UNESCO đã tôn vinh ông là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa[83] và khuyến nghị các nước thành viên tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông do "các đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật", và ông "đã dành cả cuộc đời mình cho sự giải phóng nhân dân Việt Nam, đóng góp cho cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của các dân tộc [trên thế giới]"[83] [84]. Tuần báo TIME của Hoa Kỳ bình chọn Hồ Chí Minh là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20[85].

Thần tượng hóa

Tại Việt Nam, dưới sự tuyên truyền của Đảng Cộng sản, hình ảnh Hồ Chí Minh phổ biến khắp nơi như là một "tấm gương sáng ngời về đạo đức"[86][87], một "nhân cách cao thượng"[88], được coi là một "thần tượng"[89]. Những tác phẩm nói về Hồ Chí Minh thường ca ngợi những đức tính tốt đẹp.

Ngoài những phát biểu của chính Hồ Chí Minh và hình vẽ, hình chụp của ông, những câu nói và khẩu hiệu tuyên truyền có thể đọc thấy ở mọi nơi đó là:

  • Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại
  • Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp chúng ta

Các câu nói

Các câu nói nổi tiếng

  • Không có gì quý hơn độc lập, tự do !
  • Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.[90]
  • Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.
  • Tôi nói, đồng bào có nghe rõ không?[91]
  • Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.[92]
  • Quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh.[93]
  • Tôi chỉ có một Đảng: Đảng Việt Nam.[94]
  • Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.
  • Hình ảnh miền Nam luôn ở trong trái tim tôi.
  • Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi Nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho Nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi Nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích Nước nhà mà hy sinh phấn đấu đến chừng nào?[95]

Các câu nói khác

1945 - 1946

  • Sau 80 năm bị thực dân Pháp giày vò, nước Việt Nam ta cái gì cũng kém cỏi, chỉ có lòng sốt sắng của dân là rất cao. [96]
  • Bọn ấy sang thì chả tử tế gì đâu. Chúng sẽ ăn hại, báo hại, đưa phản động về phá ta, làm những điều chướng tai gai mắt.[97]
  • Các ông giết 10 người của chúng tôi, chúng tôi giết 1 người của ông, nhưng cuối cùng các ông sẽ là người kiệt sức[98]

Thập niên 1960

  • Chủ nghĩa Mác-Lênin Việt Nam là chủ nghĩa Mác-Lênin có lí có tình![99]
  • Tôi xin mời Johnson tới Hà Nội như là khách của chúng tôi. Ông hãy đến với vợ và con gái, người thư kí, người bác sĩ và người đầu bếp của mình. Nhưng đừng mang theo tướng lĩnh và đô đốc![100]
  • Mĩ phải cút đi! Chúng tôi trải thảm đỏ cũng được, nhưng Mĩ phải cút đi! Mĩ phải chấm dứt xâm lược. Johnson miệng nói hòa bình tay lại kí những lệnh điều động quân. Chúng tôi không bác bỏ gì hết, nhưng nhân dân chúng tôi phải được yên ổn. Chúng tôi không muốn trở thành người chiến thắng. Chúng tôi chỉ muốn Mĩ cút đi! Gút-bai![101]
  • Tôi nói với nhân dân Việt Nam rằng họ là con cháu tôi, vì vậy tôi sống rất bình yên và giản dị, tôi ngủ rất ngon, ngay cả khi có việc ném bom của các ông.[102]
  • Tôi là người đa nghi và tôi có lí do để ngờ vực. Người Mĩ các ông ít nhiều đều là nhà kinh doanh. Tôi cũng là nhà kinh doanh... Khi việc ném bom chấm dứt, câu chuyện bắt đầu. Chúng ta sẽ xem các mặt hàng.[103]
  • Chúng tôi và nhân dân chúng tôi sẵn sàng nói chuyện với nhà cầm quyền Mĩ và nhân dân Mĩ. Nhưng với Johnson và Mc Namara thì hoặc là trải thảm đỏ hoặc đá đít ra ngoài cửa.[104]
  • Chúng tôi sẵn sàng đem hoa và nhạc tiễn họ và mọi thứ khác họ thích, nhưng ông biết đấy, tôi thích tiếng lóng của các ông: qu'ils foutent le camp! ("qu'ils foutent le camp" có nghĩa là "hãy cút đi")[105]
  • Đế quốc Mỹ chán rồi, nhưng rút ra như thế nào. Thua mà danh dự. Đó là điều Mỹ muốn![106]

Tác phẩm

  • Bản án chế độ thực dân Pháp (1925)
  • Đường kách mệnh (1927)
  • Con rồng tre (1922, kịch, nhằm đả kích vua Khải Định)[107]
  • Các truyện ngắn: Pari (1922, Nhân đạo), Lời than vãn của bà Trưng trắc (1922, Nhân đạo), Con người biết mùi hun khói (1922, Nhân đạo), Vi hành (1923, Nhân đạo), Đoàn kết giai cấp (1924, Người cùng khổ), Con rùa (1925, Người cùng khổ), Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925, Người cùng khổ)[108]
  • Nhật ký trong tù (1942, thơ)
  • Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (bút danh Trần Dân Tiên[109][110][111][112])
  • Vừa đi đường vừa kể chuyện (bút danh T. Lan[113][114])
    Trong cuốn sách này, Hồ Chí Minh hóa thân thành một cán bộ trong đoàn tùy tùng (T. Lan), đi công tác cùng với Hồ Chí Minh trong rừng núi Việt Bắc và được Hồ Chí Minh vui miệng kể chuyện cho nghe nhiều chuyện.
  • Hồ Chí Minh toàn tập, ấn bản I: NXB Sự thật (1980-1989), ấn bản II: NXB Chính trị Quốc gia (1995-1996), bản số hóa trên CD-ROM: NXB Chính trị quốc gia (2001-đến nay)

Template by:

Free Blog Templates