Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

CẢM NHẬN TỪ VIỆC HỌC VÀ LÀM THEO BÁC...


“Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

Tôi cứ nhớ mãi hai câu thơ ấy ngay từ những ngày đầu cấp sách đến trường cho đến tận bây giờ… Bác Hồ - người Việt Nam đẹp nhất! Non sông ta, đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch và cũng chính Người lại làm rạng rỡ non sông ta, đất nước ta…
Hồ Chí Minh là sự hội tụ của tinh hoa đông tây kim cổ, cuộc đời và sự nghiệp của Người là bản thiên anh hùng ca bất hủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã đi xa, nhưng để lại cho chúng ta di sản tinh thần to lớn, những tư tưởng vô giá, những giá trị nhân văn cao cả, trong đó đặc biệt là tư tưởng đạo đức cách mạng. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương sáng ngời cho toàn Đảng, toàn dân ta nguyện phấn đấu suốt đời học tập và noi theo.

Nói tới Hồ Chí Minh là chúng ta không thể không nhắc tới nhân cách và lối sống vô cùng giản dị, thanh cao ở Người. Và cũng chính sự giản dị ấy đã tạo nên một nhân cách lớn: Một danh nhân văn hoá kiệt xuất của thế giới, một sự nghiệp, một dân tộc, một thời đại… Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch được người đời lưu truyền như một huyền thoại, nhưng đó lại là một huyền thoại sống động và có thật. Hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài, đi khắp bốn phương trời Á, Âu, Phi, Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một kiến trúc sư vĩ đại tìm ra hình hài của một nước Việt Nam mới, tạo dựng lên một dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ 20.
Từ chỗ là một dân tộc thuộc địa không có tên trên bản đồ thế giới, dân tộc Việt Nam đã vươn mình đứng dậy như Phù Đổng Thiên Vương, đập tan xiềng xích nô lệ bằng cuộc cách mạng tháng Tám long trời lở đất, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cả thế giới biết đến Việt Nam, biết đến Hồ Chí Minh bởi:

“Chín năm là một Điện Biên;
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng"

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 7-11-2006 của Bộ Chính trị khóa X đã một lần nữa giúp tôi hiểu thêm nhiều hơn về Bác. Gia đình, hai tiếng gia đình nghe sao mà đơn giản, nhưng nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người chúng ta. Cây có cội, nước có nguồn, đó là lẽ bình thường của quy luật tự nhiên. Bác của chúng ta mồ côi mẹ từ năm lên 9 tuổi, mười năm sau giã biệt cha già, ra đi tìm đường cứu nước. Anh mất rồi chị mất, đều không có điều kiện chăm lo. Cũng như mọi người, Bác Hồ của chúng ta rất quý trọng tình cảm gia đình, cơ sở bền vững của lòng yêu nước, thương dân. Ở Bác, những tình cảm lớn, dù sâu sắc, mênh mông đến đâu cũng không bao giờ che khuất hay át được những tình cảm riêng tư. Bác Hồ của chúng ta cũng phải gắng gỏi để vượt lên trên những phút cô đơn trống vắng.

Xem quyển sách “Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Nhà xuất bản chính trị quốc gia, xuất bản năm 2007, tôi cảm nhận được rằng mỗi một câu chuyện về Bác đều mang một ý nghĩa sâu sắc đối với tất cả chúng ta, từ các em nhỏ đến các cụ già, từ nhân dân Việt Nam đến bạn bè năm châu trên thế giới. Đặc biệt là đối với lực lượng thanh niên chúng tôi ngày nay. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến thanh niên. Bởi theo Người, thanh niên không chỉ là một lực lượng đông đảo, thanh niên còn là những thế hệ kế tục tiếp nối sự nghiệp cách mạng của cha ông, những người sẽ quyết định vận mệnh tương lai của nước nhà. Đất nước thịnh hay suy, yếu hay mạnh phần lớn phụ thuộc vào thanh niên. Với quan điểm đó ngay từ những tháng năm đầu tiên của cuộc đấu tranh gian khổ để giành độc lập cho dân tộc, Hồ Chí Minh đã trực tiếp bồi dưỡng đào tạo nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước, sau này họ đã trở thành những cán bộ, chiến sỹ cách mạng ưu tú của Đảng và Nhà nước ta. Với những thanh niên Việt Nam yêu nước tại lớp Huấn luyện chính trị Quảng Châu, khi giảng về Tư cách người cách mệnh, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại. Chịu khó. Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật”. Trước lúc đi xa Người để lại muôn vàn tình thương yêu cho đồng bào chiến sĩ cả nước, Người còn căn dặn: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt... Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa kế xây dựng CNXH vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết". Theo Người, “Tự mình phải; Đối người phải; Làm việc phải” đó là vấn đề tư cách đạo đức cách mạng mà người cán bộ, đảng viên nhất định phải có. Những phẩm chất này là đòi hỏi nghiêm khắc đối với người cán bộ cách mạng, giúp họ có sức hấp dẫn, quy tụ, lôi cuốn được quần chúng, nhằm hoàn thành những nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.

Quả thật là, Hồ Chí Minh đã trở nên bất tử trong trái tim nhân loại. Cuộc đời và sự nghiệp của Người trải qua bao gian khổ hy sinh, vô cùng sôi nổi và phong phú, vô cùng cao thượng và đẹp đẽ cho ta cảm nhận một hiện thực sống động và cảm động về con người Việt Nam đẹp nhất với sự hài hòa Chân, Thiện, Mỹ.

“Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”

Đã hơn một phần tư thế kỷ từ khi Người đi về cõi vĩnh hằng… Đó là khoảng thời gian đủ cho sự sinh thành và lớn lên của một thế hệ. Lớp trẻ hiện nay như tôi, như các bạn chưa một lần có cơ hội gặp Bác và mãi mãi không bao giờ có cơ hội nghe giọng nói của Người. Thế nhưng, qua lời kể của bà, của thầy cô, của những bậc lão thành đi trước và của cả lịch sử dân tộc Việt Nam, tôi hiểu được một chân lý: nếu không có Bác Hồ kính yêu sẽ không có một Việt Nam độc lập, không có một Việt Nam đang từng ngày hội nhập và phát triển cùng nhân loại. Những mẫu chuyện về tấm gương đạo đức vĩ đại của Bác ngày qua ngày được truyền tụng, được kể lại như những bài học về cách làm người, về chữ tài, chữ đức trong cuộc sống mọi thời đại. Mỗi khi nghe kể, được biết đến hơn bao giờ hết, tôi thấy yêu, thấy kính và thương vô ngần vị Chủ tịch Nước vĩ đại mà giản dị, gần gũi biết bao.

Tôi sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước không còn chiến tranh, chưa một lần được gặp Bác… Ký ức tuổi thơ tôi là những lâu đài cổ tích, là cánh đồng xanh thẳng cánh cò bay, là một Việt Nam tươi đẹp, thanh bình. Dòng máu đỏ da vàng mà tôi mang vẫn chảy đều trong huyết mạch, tôi tự hào về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, nơi của những câu chuyện đấu tranh hào hùng chống lại ngoại xâm, nơi có Bác Hồ - Người một đời bôn ba vì độc lập, tự do của dân tộc. Người một đời giản dị, cần mẫn, hy sinh vì Tổ quốc, cho muôn thế hệ sau. Những câu chuyện về Bác càng thôi thúc tôi nhìn lại mình trong suốt quá trình sống, học tập và lao động trong khoảng thời gian đã qua.
Rời ghế nhà trường với ước mơ, hoài bão của tuổi thanh niên, tôi đã chọn công việc của một cán bộ Đoàn để góp phần xây dựng làng, xã. Tôi đã từng đạt được nhiều thành tích nổi bật từ xã, huyện đến thành phố và cấp trung ương với những danh hiệu “Thủ lĩnh thanh niên tiêu biểu thành phố”, “Thủ lĩnh thanh niên tiêu biểu 7 tỉnh miền Đông Nam Bộ”, “Cán bộ Đoàn xuất sắc toàn quốc”… Và… Tôi cũng đã có những lúc tự cao, kiêu ngạo với những điều mình đã đạt được. Về công tác tại Huyện Đoàn từ năm 2004, cùng với thành tích đã đạt được trước đó và những đóng góp tích cực của mình cho sự đổi mới trong công tác thanh niên của một huyện ngoại thành vừa được chia tách, tôi tự cho mình trở thành “quan trọng” và xem thường những đồng nghiệp chưa có thành tích nổi bật nào. Nhân sự cơ quan Huyện Đoàn có sự biến động, tôi ganh tỵ với những đồng nghiệp đến sau, chưa có gì nổi bật lại được đề bạt “ngồi vào ghế Ủy viên Ban Thường vụ Huyện Đoàn”… Quả thật là, “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do rèn luyện mà nên”. Những giây phút tỵ hiềm như thế đã làm cho tôi không còn là chính mình: ích kỷ, hiếu thắng và kiêu ngạo. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị phát động đã kịp thời giúp tôi nhắc nhở và nhìn lại bản thân. Soi mình vào chiếc gương của Bác, tôi cảm thấy hổ thẹn về những gì đã nghĩ, đã làm trong khoảng thời gian qua… Mỗi một mẩu chuyện về Bác được xem qua là mỗi một đêm tôi trăn trở với khuyết điểm của mình trước đó. Chợt hiểu ra rằng, mình không chỉ ngồi đây và chỉ biết nói : “Tôi đã sai” mà quan trọng là phải biết “mình sai ở chỗ nào và phải làm gì để khắc phục, sửa chữa những sai lầm đó”.

Tôi quyết tâm xây dựng lại chính mình bắt đầu từ những việc dù là nhỏ nhất. Hàng ngày, tôi dành thời gian để đọc những mẫu chuyện về Bác và rút ra từng bài học cho bản thân mình. Tôi tập trung đầu tư sâu hơn vào chuyên môn, sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm công tác từ các anh chị Cựu Cán bộ Đoàn đi trước, từ cơ sở Đoàn cho đến đoàn viên thanh niên và anh em đồng nghiệp cơ quan. Tôi học cách “biết lắng nghe”, “biết khiêm tốn” và “gần gũi” nhiều hơn với mọi người xung quanh để “hiểu” để “làm” trong quá trình công tác. Những thành tích đạt được sau mỗi hoạt động, tôi hiểu rằng đó là sự nổ lực của cả hệ thống tổ chức Đoàn, của tập thể anh em đồng nghiệp tại cơ quan… Rồi mọi việc cứ thế tiến triển tốt đẹp hơn, tôi ngày càng tạo được niềm tin với tổ chức và anh em đồng nghiệp, ngày 11/6/2007 tôi vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Bình Chánh nhiệm kỳ IX (2007-2012) tôi được tín nhiệm bầu vào Ban thường vụ Huyện Đoàn…

Bây giờ, tôi có thể nói với mọi người… Tôi tự hào vì được khoác trên mình chiếc áo màu xanh của thanh niên Việt Nam, tự hào vì được là Cán bộ Đoàn, tự hào vì được vinh dự là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, một tổ chức mà Bác Hồ đã có công sáng lập. Có lẽ đối với nhiều người, đó chỉ là những việc làm hết sức bình thường, nhưng đối với tôi: tôi rất hài lòng vì điều đó, hài lòng về những gì mình đang có bằng chính sự nổ lực và rèn luyện của mình. Nếu có ai đó đã từng như tôi, tôi mong rằng qua tấm gương đạo đức của Bác chúng ta hãy tự soi mình lại và hãy hiểu rằng “những gì mà ta biết được, hiểu được, những kiến thức mà ta đang có chỉ là một hạt cát nhỏ trong kiến thức của nhân loại và cả một sa mạc mênh mông”.
Tôi đã không còn có cơ hội để được:
“Bàn tay con nắm tay Cha
Bàn tay Bác ấm vào da, vào lòng”

Trong không khí cả nước đang hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, vui mừng vì sự trưởng thành của Đảng và nhớ đến công lao sáng lập của Bác Hồ. Tôi đang viết những lời cảm nhận chân thành nhất về Bác, về Người Cha kính yêu của nhân dân Việt Nam trong tư thế của thế hệ trẻ năng động, hội nhập. Từ bé, trong tôi đã thấm nhuần lời dạy của Bác: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các cháu”. Học tập và sống tốt - Đó là điều duy nhất tôi có thể làm và sẽ làm thật tốt. Chỉ cần biết cố gắng, gìn giữ ước mơ hoài bão, vươn tới tương lai bằng chính đôi chân của mình, sống với chính mình, hết mình với cuộc đời bằng tất cả phẩm chất của một con người chân chính. Tôi tin rằng tôi sẽ làm được và các bạn sẽ làm được. Tất cả chúng ta đều sẽ rất tự hào: Chúng ta là thế hệ trẻ Hồ Chí Minh!...