Thứ Tư, 3 tháng 2, 2010

Sưu tập tư liệu về tác phẩm Nhật ký trong tù

Trong thời gian bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch giam giữ trái phép từ 29-8-1942 đến10-9-1943, với tinh thần lạc quan cách mạng và lòng yêu nước tha thiết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tác tập thơ Ngục trung nhật ký - Nhật ký trong tù. Ngục trung nhật ký - Nhật ký trong tù là tập thơ được viết bằng chữ Hán, gồm 133 bài thơ. Từ bài mở đầu cho đến bài thơ cuối, mỗi bài khắc hoạ một tâm trạng, một hoàn cảnh sáng tác khác nhau, tập thơ đã mang đến cho người đọc những cảm nhận về hành trình vô cùng gian nan, cực khổ qua các nhà tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mới đọc từng bài thơ chỉ như những ghi chép nhỏ về sinh hoạt đời thường, những tình cảm nhất thời, buồn, vui, nhưng càng đọc, càng ngẫm…mỗi bài thơ trong đó đã mang lại những cảm xúc, những bài học sâu sắc cho mỗi người đọc, mỗi lứa tuổi, đồng thời nhắn gửi trong mỗi câu thơ là tư tưởng, tinh thần yêu nước, ý chí vươn lên không mệt mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để cung cấp thông tin và tư liệu cho các độc giả được đầy đủ hơn, kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh đã xây dựng sưu tập "Tư liệu về tác phẩm Nhật ký trong tù". Từ khi ra đời tác phẩm Ngục trung nhật ký - Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được in và xuất bản nhiều lần ở trong nước cũng như được nhiều nước trên thế giới xuất bản, dù đã hơn 65 năm nhưng tác phẩm vẫn là đề tài được nhiều độc giả tìm đọc và nghiên cứu.

1/ Trước khi được dịch và xuất bản, một số bài thơ trong Ngục trung nhật ký - Nhật ký trong tù đã được giới thiệu trên các báo và tạp chí.

Lần thứ nhất: Giới thiệu và trích dịch "Quyển Nhật ký thơ của Cụ Hồ" đăng trên Báo Đồng minh số 43, ngày 16.6.1946 (tờ báo do một số anh em Đồng minh sáng lập, ra đời năm 1942 tại Côn Minh)

Lần thứ hai: Ngục trung nhật ký - Nhật ký trong tù trích đăng trên trang 3, báo Nhân dân, ngày 3-3-1959, nhân kỷ niệm 29 năm thành lập Đảng Lao động Việt Nam.

Gồm 8 bài thơ: Đề từ - Mở đầu, Tẩu lộ - Đi đường, Lộ thượng - Trên đường đi, Thuỵ bất trước - Ngủ không được, Tứ cá nguyệt liễn - Bốn tháng rồi, Thu cảm, Vọng nguyệt -Ngắm trăng, Việt hữu tao động hỗ báo diệc đạo tấu 14/11- ở Việt Nam có báo động Thượng Hải cũng đăng tin 14/11.

Cả 8 bài đều đăng bản dịch âm chữ hán và bản dịch thơ, kèm theo có ảnh chụp bìa và trang 14 nguyên bản.

Lần thứ ba: Nhật ký trong tù trích đăng trên Tạp chí Văn nghệ, số 24 tháng 5-1959 nhân kỷ niệm sinh nhật 59 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trích đăng 4 bài: Ngọ - Buổi trưa, Dạ lãnh - Đêm lạnh, Dã cảnh - Cảnh đồng quê, Tảo giải - Giải đi sớm. Với đủ bản dịch âm chữ Hán và bản dịch thơ của Nam Trân và Văn Trực.

2/ Tháng 4.1960, nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày28/4/1960 Nhà xuất bản Phổ thông và Nhà xuất bản Văn hóa đã phát hành lần đầu tiên tác phẩm "Nhật ký trong tù" với số lượng lớn và hình thức khác nhau theo bản dịch của Viện Văn học. Từ đó, tác phẩm đã được nhiều nhà xuất bản trong nước xuất bản liên tục cho đến nay, hiện trong Kho và Thư viện của Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ nhiều cuốn sách về "Nhật ký trong tù", trong đó có những cuốn sách rất quý như cuốn "Nhật ký trong tù" xuất bản lần đầu tiên hay các cuốn sách "Nhật ký trong tù" được dịch ra nhiều thứ tiếng khác như tiếng Nga, tiếng Hung ga ri, tiếng Bồ Đào Nha,…. Không kể sách tiếng Việt, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã sưu tầm và bảo quản gần 50 cuốn sách "Nhật ký trong tù" tiếng nước ngoài, "Nhật ký trong tù" qua các bản dịch tiếng nêu trên là những cuốn sách rất quý, thể hiện tình cảm của nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.

Nhật ký trong tù của Nhà xuất bản Phổ thông: Dịch 114 bài thơ từ chữ Hán ra tiếng Việt, sách dầy 54 trg, có ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, kích thước 13cmx19cm.

Tiếng Nga: NXB Ngoại văn Matxcơva, năm1960, của dịch giả: nhà văn Nga Xô-Viết nổi tiếng Paven Antolkolxki (1896-1978), ông đã đến Việt Nam năm 1958 và được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Mở đầu là Lời tựa của Nhà xuất bản; Lời giới thiệu của dịch giả và bản dịch 100 bài thơ sang tiếng Nga dựa trên bản dịch nghĩa của Nguyễn Tiến Thông và E.Fedortxev.

- Nội dung cuốn sách được bổ sung và hoàn chỉnh, đã tái bản nhiều lần ở Liên Xô. Nhà xuất bản Ngoại văn Hà Nội nay là Nhà xuất bản Thế giới đã in lại cuốn sách năm 1975 và tái bản năm1985.

Tiếng Bồ Đào Nha: Xuất bản tại Portugạ năm 1969, Mở đầu là tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh và dịch 20 bài thơ, sách dầy 12 trg , kích thước 15cm x 21cm. (XB cùng với sách - ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên ảnh có in bài thơ: "Cảnh chiều hôm" bằng tiếng Bồ Đào Nha.

- Sách do Trung ương Đoàn TNLĐ HCM chuyển đến BTHCM 10.3.1972

3/ "Nhật ký trong tù" là một tác phẩm văn học độc đáo đã trở thành nguồn cảm hứng không chỉ đối với các nhà nghiên cứu văn học, lịch sử, đã có nhiều hội thảo khoa học về "Nhật ký trong tù". Ngoài ra tác phẩm còn là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thư pháp trong nước và nước ngoài:

* Ngày 24/1/2002 Bảo tàng Hồ Chí Minh và Hiệp hội câu lạc bộ UNESCO Việt Nam đã phối hợp tổ chức Triển lãm và Toạ đàm Thơ "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nghệ thuật thư pháp của Lỗ Nguyên, trong triển lãm đã trưng bày 39 tác phẩm thư pháp của tác giả.

* Ngày 19/3/2004 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Hội giao lưu văn hoá đối ngoại Quảng Tây, Viện KHXH Quảng Tây đã tổ chức khai mạc triển lãm "Thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nghệ thuật thư pháp Quảng Tây, Trung Quốc". Triển lãm đã trưng bày hơn 70 tác phẩm thư pháp của các nhà thư pháp Trung Quốc.

* Ngày 6/5/2005 tại Trung tâm văn hoá ở Thủ đô Seoul (Hàn Quốc), triển lãm "Nghệ thuật thư pháp về tác phẩm thơ Nhật ký trong tù" đã mở cửa cùng với Lễ khai mạc "Tuần văn hoá Việt Nam" tại Hàn Quốc. Triển lãm đã trưng bày trên 70 tác phẩm thư pháp thể hiện 50 bài thơ của hơn 30 nhà thư pháp Hàn Quốc. Triển lãm còn được trưng bày ở 3 thành phố lớn của Hàn Quốc và ngày 15/1/2006 triển lãm đã được khai mạc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và sau đó được khai mạc tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Vinh (Nghệ An).

Các bài viết nghiên cứu về "Nhật ký trong tù" và các triển lãm thư pháp của các nhà thư pháp Trung Quốc và Hàn Quốc là nguồn tư liệu quý để độc giả và các nhà nghiên cứu hiểu thêm giá trị lịch sử và văn học của tác phẩm. Tác phẩm "Nhật ký trong tù" không chỉ là một hiện vật quý mà còn là một tác phẩm có giá trị văn học, lịch sử và giáo dục, việc sưu tầm và phát huy giá trị của tác phẩm là hết sức cần thiết. Bảo tàng Hồ Chí Minh rất mong nhận được sự giúp đỡ và đóng góp của các độc giả để những sưu tập tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng phong phú và hoàn thiện hơn.

Template by:

Free Blog Templates