Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

BÁC HỒ VỚI PHONG TRÀO PHỤ NỮ VIỆT NAM

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác Hồ luôn quan tâm đến phong trào bình đẳng và sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam . Đối với Bác việc giải phóng phụ nữ luôn gắn chặt với việc giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người.

Nhân kỷ niệm 79 năm, ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1930-2009) chúng tôi xin giới thiệu những tình cảm thiêng liêng mà Bác đã dành cho nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Thật vậy, suốt cả cuộc đời, Bác đã để lại cho chúng ta nhiều thứ quý giá, chẳng những riêng cho một ai mà gần như cả dân tộc đều được tận hưởng những giá trị tình cảm này - Nhà thơ Tố Hữu trong bài Bác ơi đã lột tả toàn bộ tâm trạng này "Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa/ Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già". Nhưng có lẽ trong muôn ngàn dòng suối nghĩa tình đó, đối với thế hệ đã thoát ra từ gông cùm của một ý thức hệ, đâm đặc cô đọng cả hàng ngàn năm phong kiến, đó là phụ nữ Việt Nam, thì giá trị tình yêu thương mà Bác đã dành cho họ càng sâu nặng nghĩa tình nhiều hơn.

Trong một lần phỏng vấn đài truyền thanh nước ngoài, Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước đã tâm sự "Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ Việt Nam. Người đã thức tỉnh phụ nữ tham gia giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại và từ đó giải phóng chính mình" Bác đã nhận thấy được sự bất bình đẳng nam nữ trong xã hội phong kiến để lại, nếu để tiếp tục sẽ dẫn dắt đến hậu quả bởi tư tưởng lạc hậu, sẽ khó phát triển về kinh tế và xã hội, vì vậy người đã kêu gọi "Thực hiện nam nữ bình quyền" không lý thuyết suông mà phải hành động cụ thể, trước hết quyền lợi của phụ nữ phải phải đặt lên hàng đầu, nhất là quyền lợi trong các hoạt động kinh tế, quyền lợi trong xã hội và ngay chính trong cuộc sống gia đình.

Người khẳng định: “Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng xã hội một nửa”.

Bác thường phân tích cho chúng ta thấy, phụ nữ không thua kém nam giới khi được tạo mọi điều kiện thuận lợi, trong diễn ca "Lịch sử nước ta" người viết: "Phụ nữ ta chẳng tầm thường/ Đánh Đông dẹp Bắc làm gương để đời/" kể cả khi nói về phụ nữ Việt nam thời xưa, người cũng rất hãnh diện tự hào "Hai Bà Trưng có đại tài/ Phất cờ khởi nghĩa giết người tà gian/ Ra tay khôi phục giang sơn/ Tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta", "Tỉnh Thanh Hóa có một bà/ Tên là Triệu Âu tuổi vừa đôi mươi/ Tài năng dũng cảm hơn người/ Khởi binh cứu nước muôn đời lưu phương". Người căn dặn "Hai Bà Trưng để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang là dũng cảm kháng chiến....., thì: Phụ nữ Việt Nam ta cũng phải xứng đáng là con cháu Hai Bà".

Khi cả dân tộc cùng đứng lên kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, Bác luôn biểu dương những đóng góp to lớn của phụ nữ : “Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ. Họ rất mưu trí và dũng cảm làm cho địch phải khiếp sợ và gọi họ là “đội quân tóc dài”. Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta..”. Người khẳng định "Dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ nữ đã thật sự làm chủ Nhà nước".

Khi bàn về việc ứng cử và đề cử chức danh Chủ nhiệm HTX, Bác đề nghị với xã viên hãy lựa chọn nhiều ứng cử viên là phụ nữ vào cương vị này, Bác nói " Phụ nữ làm chủ nhiệm đâu có đánh chén, chủ nhiệm nữ lại thật thà, phải đưa nhiều phụ nữ tham gia làm chủ nhiệm".

Khi phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày Thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bác Hồ đã nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào của người phụ nữ Việt Nam: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta” người khẳng khái kết luận "Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng... Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng", Sau khi đã trở thành Chủ tịch nước, Người vẫn luôn hướng tình cảm của mình đối với những người phụ nữ. Năm 1952, nhân kỷ niệm Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế phụ nữ, Người đã gửi thư ngợi khen: "Non sông gấm vóc Việt Nam do Phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ".

Trong sự nghiệp CM, Phụ nữ nước ta còn được Bác khen tặng những thành tích trong học tập, rèn luyện và đóng góp trên tất cả lĩnh vực về kinh tế- chính trị - xã hội và an ninh quốc phòng.... “Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng vạn phụ nữ đã trở thành cán bộ chuyên môn trong các ngành và cán bộ lãnh đạo... Theo gương các bà, các mẹ và các chị anh hùng, nhiều cháu thiếu niên nhi đồng gái cũng rất ngoan... Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng...”

Trong tác phẩm "Ðường Kách mệnh", Bác cũng từng viết: "Ông Các Mác nói rằng: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi: "ông Lê-nin nói: Ðảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công...".

Bác Hồ không chỉ quan tâm đến công việc bình đẳng trong xã hội của người phụ nữ mà con lo cả sức khỏe và hạnh phúc gia đình của người phụ nữ, câu chuyện kể rằng "Một lần đến thăm một đơn vị nữ thanh niên xung phong, Bác nghe báo cáo, đi xuống tận đơn vị sản xuất rồi góp ý với lãnh đạo đơn vị: “Đi chặt gỗ, việc ấy nặng nhọc, lúc hăng các cháu làm được hết; hay đi đắp đường, chỗ núi non khó khăn, các cháu cũng làm được. Nhưng lãnh đạo không nên để các cháu làm những việc như thế. Con gái có kinh chẳng hạn, trong lúc có kinh lội nước, dầm mưa, sau này sức khỏe không tốt, cho nên phân phối công tác cho phụ nữ phải thích hợp...”. Lần ấy, các nữ TNXP đã rơi nước mắt trước nỗi lo toan rất đời thường của vị Chủ tịch nước. Tình yêu thương của Bác dành cho phụ nữ luôn có một vị trí đặc biệt quan trọng, khi Bác để tâm đến từng chi tiết nhỏ trong đời thường.

Tháng 1-1963, trong phiên họp của Bộ Chính trị để bàn về những vấn đề quan trọng của cách mạng, Người đã đọc một bức thư của một phụ nữ trong cuộc họp này, đó là bức thư một nữ cán bộ cách mạng ở Vĩnh Phúc bị chồng đối xử đánh đập tàn tệ mà không được chính quyền đoàn thể can thiệp, cán bộ đảng viên thì lẩn tránh. Bác xem đó là tội ác, là tàn dư còn lại tồi tệ nhất của chế độ cũ và yêu cầu cuộc họp ưu tiên giải quyết trường hợp này trước. Câu chuyện nầy đã làm Bác suy tư rất nhiều, nên trong dịp gặp gỡ cán bộ tỉnh Hà Tây vào ngày 10-2-1967, Bác phê phán tình trạng chồng đánh vợ và khẳng định đây là tệ nạn về mặt đạo đức và vi phạm pháp luật: “Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm pháp”.

Những người phụ nữ Việt Nam thật sự xúc động khi biết rằng, vào những năm tháng cuối cùng của đời mình, Người đã để lại cho chúng ta bản Di chúc quý giá, trong đó có những dòng viết riêng cho phụ nữ Việt Nam . "Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ ta đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ". Đó là dòng chữ tràn đầy trách nhiệm của Đảng và Nhà nước và là tình cảm thiêng của vị Cha già Dân tộc, của Bác Hồ kính yêu dành cho phụ nữ của chúng ta hôm nay./.

(SƯU TẦM)