Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

CÁC BÀI THƠ CỦA BÁC VỀ PHỤ NỮ

Theo thống kê của chúng tôi, Bác Hồ có 8 bài thơ viết về hình tượng người phụ nữ:
1. Người bạn tù thổi sáo (Nạn hữu xung địch)
2. Chiều tối (Mộ)

3. Vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng (Nạn hữu chi thê thám giam)
4. Gia quyến người bị bắt lính (Trưng binh gia quyến)
5. Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng (Dạ bán văn khốc phu)
6. Phụ nữ
7. Cảm ơn người tặng cam
8. Khen 11 cháu dân quân gái thành phố Huế.

Bác Hồ - “một tình yêu thương bao la”. Cuộc đời, tâm hồn, hành động và những trước tác của Người đã nói với chúng ta điều ấy. Ở đây chúng tôi xin tìm hiểu kỹ thêm tấm lòng của Người đối với phụ nữ trên cứ liệu 8 bài thơ trên. Chúng tôi thấm thía niềm cảm thông của Bác với những cảnh ngộ đau lòng mà người phụ nữ phải hứng chịu. Một cảnh ngộ “chồng chết”:
Hỡi ôi! Chàng hỡi, hỡi chàng ơi!
Cơ sự vì sao vội lánh đời?
Để thiếp từ nay đâu thấy được
Con người tâm ý hợp mười mươi
(Ô hô phu quân, hề phu quân!
Hà cố phu quân cự khí trần?
Sử thiếp tòng kim hà xứ kiến.
Thập phần tâm hợp ý đầu nhân)
(Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng)

Tên bài thơ là của tác giả, của Bác Hồ: Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng lời bài thơ không còn là của Bác nữa mà là lời của người góa phụ. Nửa đêm là thời điểm yên tĩnh nhất, thanh vắng nhất và con người lúc ấy cũng có nhu cầu sinh học chìm sâu vào giấc ngủ để thư giãn sau một ngày lam lũ. Nhưng cũng thời điểm ấy, trong nhà lao Bác bỗng nghe tiếng khóc xót xa, đau đớn của người phụ nữ mất chồng. Mà phụ nữ ngày trước, nhất là phụ nữ sống trong xã hội Trung Quốc cổ hủ lạc hậu thì “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (Ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con) nên phụ thuộc tuyệt đối vào chồng. Có con thì may ra còn chỗ dựa, chưa có con mà chồng chết thì bơ vơ. Câu mở của bài thơ là tiếng khóc: “Hỡi ôi! Chàng hỡi, hỡi chàng ơi!” (Ô hô phu quân, hề phu quân) đúng là lời, là giọng của người có chồng chết. Câu thơ ngắt ra như tiếng nấc nghẹn ngào. Những từ cảm thán láy lại đẫm nước mắt. Câu thứ hai là sự ngạc nhiên ai oán đến bàng hoàng: “Cơ sự vì sao vội lánh đời?”. Thời điểm khóc (nửa đêm) và câu hỏi đầy ai oán ở câu hai này cho thấy bi kịch người chồng chết trẻ, đột ngột và dĩ nhiên người góa phụ cũng mới cưới chồng. Mới cưới chồng nên mới có câu cuối là một nhận định: “Con người tâm ý hợp mười mươi”. “Tâm ý hợp mười mươi” mà nay kẻ ở cõi trần người xuống cõi âm ngàn trùng xa cách nên càng đau. Thơ hay là thơ người đọc không còn cảm thấy câu chữ mà chỉ thấy tình người. Bài thơ này là như vậy. Bác Hồ đâu có dụng công chữ nghĩa nhưng đã làm nổi lên một hoàn cảnh, một bi kịch, một số phận. Tác giả đã nhập thân vào nhân vật, nhập thân vào hoàn cảnh mới có câu thơ đẫm nước mắt ấy.

Tên bài thơ đúng là của Bác: Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng nhưng nội dung bài thơ thì không còn là của Bác nữa mà là nỗi lòng của nhân vật trữ tình. Bác như đau cùng nỗi đau của nhân vật mà nói ra nỗi đau ấy bằng ngôn ngữ của thơ.
Một cảnh ngộ “đi tù thay”:
Biền biệt anh đi không trở lại
Buồng the trơ trọi, thiếp ôm sầu
Quan trên xót nỗi em cô quạnh
Nên lại mời em tạm ở tù
(Gia quyến người bị bắt lính)


Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là cảm hứng tố cáo, tố cáo chính sách bắt lính tàn bạo của chính quyền phản động Tưởng Giới Thạch lúc bấy giờ. Đi lính là một nỗi khiếp sợ vì đi lính cho chính quyền là đi vào chỗ chết oan uổng, thế cho nên người ta phải trốn, trốn biệt “biền biệt anh đi không trở lại”. Điều ấy đã gián tiếp tố cáo sự phi nhân của chế độ, sự phi nghĩa của chiến tranh. Không những thế chính quyền lại bắt người vợ có chồng trốn lính đi tù, thì sự vô nhân đạo càng thể hiện gấp bội. Người vợ trong cảnh “Buồng the trơ trọi” là một nỗi sầu, nay phải vào tù, “một ngày tù ngàn thu ở ngoài”, nỗi sầu lại nhân lên gấp bội phần. Bài thơ còn là tiếng cười châm biếm sâu cay sự vô nhân của chế độ đồng thời cũng là tiếng cười xót xa, tiếng cười ra nước mắt về số phận cay đắng của người phụ nữ. Cũng chủ đề “ đi tù thay” chúng ta thấy có bài Cháu bé trong nhà lao Tân Dương, chỉ cần đọc hai bài thơ cùng chủ đề này người đọc cũng thấy được mối quan tâm đặc biệt của Bác, tình yêu thương đặc biệt của Bác tới phụ nữ và trẻ em.
Một cảnh ngộ “vọng phu”
Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu
Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi
Lên lầu ai đó ngóng trông nhau
(Người bạn tù thổi sáo)

Xa nhà thường là nhớ quê. Xa nhà trong hoàn cảnh tù đày thì nỗi nhớ quê càng sâu sắc. Thế cho nên “khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu” là dễ hiểu. Cảm động nhất là hình tượng “khuê nhân” - vợ của người bạn tù bước thêm một tầng lầu để ngóng chồng. Nhưng “thiên lý quan hà vô hạn cảm” (Muôn dặm quan hà, khôn xiết nỗi), người vợ ấy đành ngóng chồng trong tưởng tượng, cái nhìn trong không gian vật lý bất lực phải chuyển vào không gian tâm lý, vào cõi lòng của mình. Xót xa thay!
Lại một cảnh ngộ đau đớn khác, gặp mà không gặp:
Anh ở trong song sắt,
Em ở ngoài song sắt;
Gần nhau chỉ tấc gang,
Mà cách nhau trời vực;
Miệng nói chẳng nên lời,
Chỉ còn nhờ khóe mắt;
Chưa nói lệ tuôn trào,
Tình cảnh ái ngại thật
(Vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng)


Cách chia hai thế giới: bên trong - nhà lao, bên ngoài - ngoài lao; cách chia tình cảm vợ chồng là cái song sắt lạnh lùng. Không nói nên lời, chỉ còn nói bằng khóe mắt. Mắt cũng mờ đi vì những giọt lệ. Một lời bình ở cuối bài: “Tình cảnh ái ngại thật” là tấm lòng cảm thông, xót xa cho hai vợ chồng người bạn tù, trong cảnh huống ấy, nhà thơ hướng tình cảm của mình về phía người vợ khốn khổ nọ. Thế cho nên bài thơ mới có tiêu đề: Vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng.

Yêu thương và thông cảm, Bác Hồ cũng rất trân trọng, quý mến những người phụ nữ. Phải đặt vấn đề này trên quan điểm lịch sử là nhà nho phong kiến xưa rất coi thường phụ nữ. Bác Hồ rất hiểu Nho học, Người tiếp thu cái sâu sắc tinh hoa của Nho giáo nhưng biết vượt lên trên cái hạn chế của Đạo Khổng để tạo ra một cái ứng xử của riêng mình. Đấy là ứng xử văn hóa Hồ Chí Minh.
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng
(Chiều tối)


Chúng tôi không làm nhiệm vụ phân tích bài thơ vì đã có quá nhiều người nói về cái hay cái đẹp của tư tưởng và hình tượng thơ mà chỉ nói ý hiểu cá nhân. Theo kiểu văn hẹp của mình tôi thấy trước bài thơ này hình tượng “sơn thôn thiếu nữ” đã xuất hiện rất nhiều trong thơ nhưng chỉ đến Hồ Chí Minh hình tượng “sơn thôn thiếu nữ ma bao túc” (Cô em xóm núi xay ngô tối) mới đưa vào thơ và lại là một hình tượng hay, đột xuất và độc đáo. Nhìn vào văn bản bài thơ ta thấy hai câu đầu đậm đà chất cổ điển, có buồn cũng buồn rất cổ điển. Trên cái nền không gian buồn vắng đột ngột xuất hiện một hình tượng thiếu nữ khỏe khoắn và lò than rực hồng đã lái ý thơ hướng về cuộc sống ấm áp, đầy ánh sáng.

Chúng tôi không cho rằng bài thơ Cảm ơn người tặng cam Bác Hồ viết chỉ để nói với một người - người tặng cam, mà cao hơn là để nói về chuyện ứng xử người với người, thế hệ sau với thế hệ trước, và đặc biệt là nhắc nhở mọi người biết trân trọng phụ nữ:
Cảm ơn bà biếu gói cam
Nhận thì không đúng, từ làm sao đây
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai


Lời bài thơ là lời cảm ơn cũng là lời nhắc nhở “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và chắc chắn một niềm tin: Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai. Vượt lên trên cái tầm nội dung câu chuyện nghĩa lý ở đời bài thơ vươn tới ý nghĩa đạo lý sâu sắc và một quy luật phổ quát: con người nhân nghĩa thủy chung, biết lẽ phải sẽ luôn gặp hạnh phúc.

Và Bác Hồ là một trong những người thể hiện đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” bằng cách ghi nhận công lao của các bậc phụ nữ tiên kiệt anh hùng đã góp phần làm nên lịch sử:
Việt Nam phụ nữ đời đời
Nhiều người vì nước, vì nòi hy sinh
Ngàn thu vang tiếng bà Trưng,
Ra tay cứu nước, cứu dân đến cùng
Bà Triệu - Ẩu thật anh hùng,
Cưỡi voi đánh giặc vẫy vùng bốn phương
(Phụ nữ)

Người khích lệ động viên tinh thần của chị em phụ nữ đã cùng góp máu xương cho sự nghiệp cách mạng đòi lại độc lập tự do từ tay giặc Pháp:
Mấy năm cách mạng khẩn trương,
Chị em phụ nữ thường thường tham gia
Mấy phen tranh đấu xông pha.
Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai?
(Phụ nữ)


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại Bác Hồ có bài thơ Khen 11 cháu dân quân gái thành phố Huế:
Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường,
Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường.
Bác khen các cháu dân quân gái,
Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương.
3-1968

Lời thơ hết sức giản dị nhưng đã làm nổi bật một hình tượng anh hùng, ở tư thế bản lĩnh, ở tư duy trí tuệ (khôn ngoan dàn trận). Bài thơ là một cấu trúc đối lập, đối lập về số lượng (11 cháu dân quân gái) với vũ khí trang bị thô sơ (súng trường) với “giặc Hoa Kỳ” đông quân, trang bị tối tân hiện đại. Thế mà “giặc Hoa Kỳ phải nát xương”! Bài thơ không chỉ là lời khen động viên, cổ vũ mà còn là niềm tin chiến thắng, cao hơn là tư tưởng: phụ nữ cũng rất anh hùng, phụ nữ Việt Nam ta đúng là “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.


Rõ ràng tư tưởng của Bác Hồ về người phụ nữ là hết sức tiến bộ, nhân văn, thậm chí tư tưởng ấy đã đi trước thời đại. Nhớ lại, từ năm 1941 Người đã thể hiện tư tưởng ấy:
Chị em cả trẻ đến già
Cùng nhau đoàn kết để mà đấu tranh
Đưa nhau vào hội Việt Minh,
Trước giúp nước, sau giúp mình mới nên.
Làm cho thiên hạ biết tên
Làm cho rõ mặt cháu Tiên, con Rồng
(Phụ nữ)

Cội nguồn của tư tưởng ấy, xét đến cùng chính là từ tình yêu thương con người cần lao. Đúng vậy, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh phải bắt đầu từ tình yêu con người của Bác.


Khép lại bài viết chúng tôi mượn lời của Bác để làm rõ hơn sự chứng minh ý hiểu của mình về những bài thơ của Người viết về phụ nữ:
“Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội, nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người” (1)
“Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”(2).

(Sưu tầm)