Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Những mẩu chuyện đầy xúc động và chân tình của Bác Hồ với phụ nữ




Đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về thăm Hà Nội
vui mừng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh (25-11-1965)
nhung nguyen tac va chuan muc 1            Suốt cuộc đời mình Bác luôn đứng về lẽ phải, đấu tranh bảo vệ cho những kiếp người cơ cực lầm than. Người đặc biệt quan tâm đến phụ nữ và trẻ em bởi theo Người đó là lớp người khổ nhất trong những người khổ cực. Như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:
Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người
            Trong những “kiếp người” lầm than đó Bác dành sự quan tâm đặc biệt cho phụ nữ. Bởi hơn ai hết Bác là người hiểu rõ rằng: Trong xã hội, người phụ nữ là người bị áp bức, chịu đau khổ và thiệt thòi nhiều nhất. Bác nhiều lần bày tỏ chính kiến trước công luận là phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến và đầu óc gia trưởng, tư tưởng trọng nam khinh nữ. Bác cũng chỉ rõ: “Luật lấy vợ lấy chồng nhằm giải phóng phụ nữ, tức là giải phóng phần nửa xã hội. Giải phóng người đàn bà”, “phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến”, tư tưởng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (Một nam là có, mười nữ như không) trong người đàn ông. Bác phê phán tình trạng chồng đánh vợ và khẳng định đây là tệ nạn về mặt đạo đức và vi phạm pháp luật: “Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm pháp”. Theo quan điểm của Bác, vấn đề giải phóng phụ nữ là một vấn đề xã hội to lớn, không phải chỉ là việc riêng của phụ nữ, mà là công việc quan trọng của Đảng, Nhà nước và đòi hỏi phải có sự tham gia của toàn xã hội, của tất cả mọi người. Việc giải phóng phụ nữ là phải tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội; Chỉ có đưa phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa… thì mới bảo đảm quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ. Muốn vậy phải tôn trọng phụ nữ, phải tính đến đặc thù của lao động nữ, phải thực hiện phân công sắp xếp lao động toàn xã hội, mở rộng các dịch vụ xã hội, tổ chức đời sống mới để phụ nữ có thời gian học tập và tham gia vào các hoạt động xã hội. Đảng và Chính phủ cần có những chủ trương chính sách phù hợp để phụ nữ tham gia vào các công việc của xã hội theo khả năng của họ. Song thực hiện bình đẳng giới, cũng không có nghĩa là “cào bằng” trong mọi việc, mà phải là, ngoài những cơ chế chính sách chung đối với người lao động, các cơ quan chức năng cần chú ý “quán triệt quan điểm giới” khi xây dựng chính sách, pháp luật đối với người lao động, nhằm bảo vệ sức khoẻ của phụ nữ, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em khỏi những lao động độc hại và phi đạo đức, đồng thời đảm bảo phân phối công bằng cho cả hai giới, khi cùng làm một công việc và cống hiến như nhau. Bác Hồ cũng khẳng định, sự nghiệp giải phóng phụ nữ phụ thuộc vào chính bản thân người phụ nữ. Người đánh giá cao vai trò của phụ nữ khi nhìn nhận họ là một lực lượng lao động đông đảo của xã hội, làm việc không thua kém nam giới. Phụ nữ có thể đảm nhận và hoàn thành tốt những công việc lớn của cách mạng, của nhân dân. Tuy nhiên, để phát huy vai trò của phụ nữ, Người yêu cầu: “Chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng phụ nữ mà tự mình phải tự cường đấu tranh”. “Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng xã hội chủ nghĩa. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ phải xóa bỏ tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường tự lập, phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”. “Phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu. Người phụ nữ phải tự khẳng định mình thông qua năng lực trình độ, thông qua sự hiểu biết và sự đóng góp của chính họ vào gia đình và xã hội. Từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao vị trí của người phụ nữ trong xã hội và thực hiện xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và tiến bộ. Và trên thực tế, đã không ít tài liệu ghi lại những mẩu chuyện của Bác Hồ với phụ nữ đầy xúc động và chân tình.
             Một lần, tới một Hội nghị, nhìn suốt dọc hội trường Bác hỏi: “Này các chú, phụ nữ đâu mà không thấy phụ nữ ngồi hàng đầu?” Rồi Bác lại hỏi tiếp: “Các cô gái có đấy không?” “Có ạ”. “Vậy mời lên đây ngồi. Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải bảo Đảng và Chính phủ hay nam giới mời lên ngồi mới ngồi mà phải tự đấu tranh phấn đấu giành lấy”. Đó chính là lời căn dặn của Bác với phụ nữ, bởi hơn ai hết Bác luôn quan tâm và giành nhiều tình cảm cho lớp người đã chịu nhiều lầm than này.
            Một câu chuyện kể rằng vào tháng 1 năm 1963, trong phiên họp của Bộ Chính trị để bàn về những vấn đề quan trọng của cách mạng, Người đã đọc một bức thư của một phụ nữ trong cuộc họp này, đó là bức thư một nữ cán bộ cách mạng ở Vĩnh Phúc bị chồng đối xử đánh đập tàn tệ mà không được chính quyền đoàn thể can thiệp, cán bộ đảng viên thì lẩn tránh. Bác xem đó là tội ác, là tàn dư còn lại tồi tệ nhất của chế độ cũ và yêu cầu cuộc họp ưu tiên giải quyết trường hợp này trước.
            Có lần tại một Hội nghị cấp huyện, Bác hỏi: Ở đây có Hải Phòng không? Có ạ!. Hợp tác xã các chú làm thế nào mà phải sang Hợp tác xã khác mượn lợn để lừa dối cấp trên? Có không? Có ạ. Vậy không nên làm như thế nữa”. Lúc đó, gần Tết, Bác kêu gọi tiết kiệm. Bác nói: Các chú phải có văn hóa không được đánh vần chữ "tiết kiệm" thành "tiết canh". Phụ nữ người ta làm Chủ nhiệm đâu có đánh chén. Chủ nhiệm phụ nữ thật thà, phải đưa nhiều phụ nữ tham gia làm Chủ nhiệm"… Thế mới thấy được Bác rất coi trọng vai trò của phụ nữ Việt Nam. Thế nên khi đi thăm các nước, Bác thường nói với phụ nữ các nước đó: Phụ nữ Việt Nam làm được nhiều việc cho đất nước, phụ nữ Việt Nam thay thế nam giới thực hiện phục vụ cho chiến đấu, sản xuất. Đặc biệt, khi làm Chủ nhiệm Hợp tác xã, phụ nữ làm tốt hơn nam giới, cần cù hơn, không lãng phí, không đánh chén.
Một lần đến thăm một đơn vị nữ Thanh niên xung phong, Bác nghe báo cáo, đi xuống tận đơn vị sản xuất rồi góp ý với lãnh đạo đơn vị: “Đi chặt gỗ, việc ấy nặng nhọc, lúc hăng các cháu làm được hết; hay đi đắp đường, chỗ núi non khó khăn, các cháu cũng làm được. Nhưng lãnh đạo không nên để các cháu làm những việc như thế…phân phối công tác cho phụ nữ phải thích hợp...”. Lần ấy, các nữ Thanh niên xung phong đã rơi nước mắt trước nỗi lo toan rất đời thường của vị Chủ tịch nước.
Ngày lễ 2/9/1949, Bác đến thăm chị em cán bộ, nhân viên Văn phòng Trung ương Đảng tại chiến khu Việt Bắc. Người bước vào hội trường, ngồi xuống trước rồi bảo mọi người ngồi xuống theo. Các cán bộ nhanh chân đến trước vây quanh Chủ tịch. Các chị các cô vì có cháu nhỏ đi theo không chen kịp, đành ngồi phía sau hội trường, dù rất muốn được gần Bác.
Khi được báo cáo anh chị em đã đến đủ, Bác nhìn quanh nhận ra ngay điều bất hợp lý, liền nói:
- Để ổn định trật tự cho buổi “diễn thuyết” được thành công, các cô các chú phải ngồi đúng vị trí của mình. Riêng “diễn giả” được phép thay đổi chỗ.
Người đứng dậy đi đến cuối hội trường, hô:
- Đằng sau, quay!
Ngày ấy hội trường gồm toàn những ghế băng. Thế là các chị, các cô, các cháu nhỏ chỉ cần quay lại là được gần Bác nhất.
Chính sự quan tâm ngay cả những điều tưởng như nhỏ nhặt trong cuộc sống, đã làm cho hình ảnh của Người vốn đã vĩ đại càng trở thành bất tử.
 Bác Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác kể lại rằng: "Vào tháng 5 năm 1968, Bác Hồ đọc lại bản Di chúc và thấy cần phải viết thêm mấy điểm về phụ nữ". Thế rồi, trong bản Di chúc Bác viết: "Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ". Đó là những lời chân tình, chứa chan tình cảm và cũng là sự nhắc nhở, huấn thị của Bác với phụ nữ trước khi đi xa.
        Bác không có gia đình riêng, nhưng Người hiểu và thông cảm sâu sắc với người phụ nữ làm bổn phận người vợ, người mẹ trong gia đình, người lao động của xã hội. Trong cuộc sống gia đình, người phụ nữ phải lo bộn bề công việc "không tên" nhưng chính nó lại tạo nên của cải tinh thần vô cùng to lớn, đó là không khí gia đình, là tổ ấm của mỗi người Việt Nam.
        Sự quan tâm của Bác Hồ với phụ nữ Việt Nam thật nhân ái bao la. Bác từng viết: "Ông Các Mác nói rằng: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi ( Đường Kách Mệnh). Đối với Bác, tầng lớp phụ nữ luôn có vị trí quan trọng trong cuộc cách mạng chung của dân tộc và hoàn toàn có thể tự hào mà ngẩng cao đầu trước các đấng mày râu. Và quả thật vây, nhìn lại những chặng đường đã đi qua, những anh hùng lao động, những chiến sỹ thi đua, những tấm huân chương, những giải thưởng khoa học là bằng chứng ghi nhận công lao đóng góp của chị em phụ nữ, dấu ấn ghi đậm truyền thống phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang. Chị em phụ nữ hôm qua, hôm nay và ngày mai sẽ viết tiếp những truyền thống hào hùng đó, sẽ làm rạng danh dân tộc Việt Nam để thoả ước nguyện của Người trước lúc đi xa.