Thứ Năm, 2 tháng 4, 2009

Học và làm theo quan điểm của Bác về nhân dân



Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân, với cách sống, làm việc theo chuẩn mực: “Cần - Kiệm - Liêm - Chính - Chí công vô tư” do Người xác định và gương mẫu làm trước để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân học tập, noi theo. Người chỉ rõ: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không có đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (1).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta dù bận trăm công nghìn việc lo cho Đảng, cho Tổ quốc, nhưng Người vẫn thường xuyên lo nghĩ về nhân dân, Bác không quên tự dặn mình rằng: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh” (2). Điều đó nói lên sự quan tâm có tính mẫu mực, thấu nghĩa đạt tình của một danh nhân văn hóa tầm cỡ thế giới, của một lãnh tụ tối cao luôn lấy sự ấm no, tự do và hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu không bao giờ mệt mỏi.

Trong bài báo có tựa đề “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết đăng Báo Sự Thật (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ) vào ngày 15-10-1949, Người khẳng định:

“...I. NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân...”.

Theo quan điểm ấy, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách để khoan sức dân, thể hiện đúng đắn quan điểm “lấy dân làm gốc”. Thuở nhà Trần xưa, Tiết chế Quốc công Trần Quốc Tuấn đã từng chỉ rõ: “Nguồn gốc sức mạnh của đất nước chính là biết khoan thứ sức dân, để làm kế sâu, rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước” (3). Đó là một trong những cơ sở lý luận và thực tiễn để Trung ương Đảng đã có những chủ trương đúng đắn, kịp thời hướng về nhân dân, lắng nghe ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thể hiện ngày càng rõ nét hơn về vai trò, hiệu quả lãnh đạo tất thắng của một Đảng cầm quyền, bảo đảm cho bộ máy công quyền các cấp hoạt động đúng theo quyền lực của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tập trung hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Ngày 5-4-2007, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn với 6 Chương bao gồm 28 Điều, cho thấy vấn đề phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã được đề cao hơn bao giờ hết, nội hàm dân chủ đã được nâng tầm pháp lý, góp phần bảo đảm cho sự công bằng, minh bạch về hoạt động của các cơ quan công quyền ở cơ sở, cũng chính là bảo đảm cho quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân được thi hành triệt để. Mặt khác, sự ra đời và từng bước đi vào cuộc sống cộng đồng của Pháp lệnh trên, thể hiện sự tôn trọng của Đảng và Nhà nước ta đối với nhân dân theo tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB CTQG, Hà Nội, trang 56

(2) Sách đd, tập 4, trang 56-57

(3) Theo Đại Việt sử ký toàn thư