Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2009

Học tập và làm theo “phong cách dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh



Trong những bài học và chuẩn mực về phong cách, lối sống đạo đức của Hồ Chí Minh thì "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân" là một trong những nội dung quan trọng.

Phẩm chất cao đẹp đó kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn được đúc kết qua những năm tháng hoạt động cách mạng đã tạo ra phong cách dân vận Hồ Chí Minh, biểu hiện trước hết ở sự gần dân, hiểu dân, liên hệ mật thiết với dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp để đưa cách mạng đến thắng lợi. Người đến với dân, gần gũi dân với tình nhân ái bao la. Người từng nói: Mỗi ngày đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Quan tâm đến đời sống của dân nên khi tiếp xúc với quần chúng, tác phong của Người rất giản dị. Với đôi dép cao-su, bộ quần áo ka-ki, nụ cười hiền hậu, tấm lòng rộng mở, Người đến tận chỗ nấu ăn, sinh hoạt, nơi làm việc và nói chuyện với mọi người rất ân cần. Người thăm hỏi cặn kẽ về sức khoẻ, đời sống của từng người, căn dặn, chỉ bảo cụ thể, rõ ràng về từng việc cần làm. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải là "người đầy tớ thật trung thành của dân" và phê phán mạnh mẽ bệnh quan liêu. Người chỉ dẫn:

- Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng, muốn thế, nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng…

- Phải tổ chức sự thi hành cho đúng, mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong.

- Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được.

Ba khâu trong quy trình lãnh đạo của cán bộ đều phải từ quần chúng, vì quần chúng và nhất thiết phải có sự tham gia của quần chúng.

Theo Người: "Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc". Người nói và làm như vậy. Người đã nêu một tấm gương sáng về dân vận cho mọi người noi theo. Muốn làm tốt công tác dân vận, trước hết người cán bộ phải có uy tín trước dân. Nhưng, để có uy tín, người lãnh đạo phải nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm để đưa công việc ngày càng tiến bộ. Việc giấu giếm khuyết điểm, sợ quần chúng phê bình, góp ý không chỉ là biểu hiện của sự thiếu trung thực trước Đảng, sự vô trách nhiệm trước sự tiến bộ của bản thân từng cán bộ mà còn là biểu hiện đặc trưng của chủ nghĩa cơ hội, cá nhân.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng về đổi mới phong cách công tác, đáp ứng yêu cầu công tác dân vận trong thời kỳ mới, trong những năm qua công tác dân vận của các cấp uỷ Đảng trong tỉnh đã có bước đổi mới về quan điểm đánh giá cũng như nội dung và phương thức lãnh đạo. Qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác quần chúng, đưa công tác dân vận thành một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ chủ yếu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh. Thông qua hoạt động thực tiễn, vai trò của công tác dân vận của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể được khẳng định. Đội ngũ cán bộ dân vận được bồi dưỡng, rèn luyện, ngày càng gắn bó với dân, trách nhiệm với công việc. Thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã khơi dậy được tinh thần đoàn kết, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, củng cố, xây dựng khối đoàn kết các dân tộc.