Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2009

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân!



Làm cho đất nước càng ngày càng xuân!
Hằng ngày, Hồ Chủ tịch vun xới cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng với tấm lòng thương yên vô hạn miền Nam anh hùng. Ảnh tư liệu
Cách đây vừa đúng 50 năm, đầu năm 1959 nhân dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động Tết trồng cây. Và Người thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, động viên phong trào Tết trồng cây. Từ đó Tết trồng cây đã trở thành một phong tục đẹp ở nước ta, và có lẽ không có người Việt Nam nào lại không thuộc câu thơ của Bác: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Nửa thế kỷ theo lời kêu gọi trồng cây của Bác đã tạo ra những thế hệ cây xanh phong phú. Hàng trăm triệu cây xanh đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế, góp phần điều hoà khí hậu và tô đẹp cảnh quan đất nước. Vận động nhân dân trồng cây và năm nào Bác Hồ cũng tự mình đi trồng cây. Nhìn những tấm ảnh chụp Bác đi trồng cây ở khắp nơi, chúng ta đều thấy Bác cười vui, ánh mắt sáng trìu mến bên màu xanh của cây lá, ta như nhìn thấy tình yêu cây của Bác hoà trong niềm vui giản dị và gần gũi với toàn dân. Rất nhiều những loài cây Bác trồng, nay đã đi vào lịch sử. Từ cây vú sữa của đồng bào miền Nam biếu Bác, nay toả bóng trong khu nhà Bác đến cây đa Bác trồng ở vườn hoa Thống Nhất, ở đường Thanh niên Hà Nội, cây đa bên thành Cổ Loa… đến cây đa cuối cùng Bác trồng ở xã Vật Lại, Hà Tây trong ngày mồng 1 Tết Kỷ Dậu 1969.

Màu xanh của những cây đa ấy như một lời nhắc nhở chúng ta, hãy ra sức trồng cây, trồng rừng vì màu xanh đất nước! Bác Hồ không chỉ trồng cây ở trong nước, những dịp đi thăm nước ngoài Bác cũng rất thích trồng cây. Bác đã trồng cây Đại ở Ấn Độ, trồng cây Sồi ở Nga… và Bác gọi đó là "Những cây Hữu Nghị".

Nhưng không phải chỉ trồng cây vào mùa xuân, Bác Hồ nói: "Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm". Lúc sinh thời, mùa xuân năm nào Bác cũng viết thư cho nhân dân, động viên, khuyến khích nhân dân trồng thật nhiều cây cho Tổ quốc xanh tươi. Người căn dặn: "Chúng ta thực hiện Tết trồng cây, cùng với kế hoạch trồng cây gây rừng của Nhà nước, một cách liên tục, bền bỉ và vững chắc thì kinh tế và văn hóa của nước ta sẽ phát triển, đồng thời phong cảnh của nước ta cũng thật sự là non sông gấm vóc, tươi đẹp vô cùng".

Việt Nam chúng ta là một quốc gia được hưởng sự ưu ái của thiên nhiên. Nước ta có ba phần tư diện tích là đồi núi và một bờ biển dài 3260 km. Việt Nam cũng là một nước có tài nguyên sinh vật thuộc loại đa dạng và phong phú, với trên 7000 loài thực vật bậc cao, hàng nghìn loài thú, loài chim, loài bò sát… Gần đây, nhiều loài thú quý hiếm đã bị xóa sổ trên thế giới như Sao la, Tê giác một sừng… lại đã tìm thấy ở rừng Việt Nam.

Thiên nhiên là người mẹ, là cái nôi xanh của sự sống, và con người khôn ngoan là phải biết giữ gìn thiên nhiên, biết sống hoà hợp với thiên nhiên. Song, chiến tranh và nạn phá rừng trong nhiều năm qua đã hủy hoại một cách khốc liệt tài nguyên rừng. Hàng triệu lít thuốc độc hóa học và chất độc màu da cam do Mỹ rải xuống những khu rừng, những làng mạc, đã huỷ hoại một diện tích đất đai rộng lớn của nước ta. Rồi nạn lâm tặc khai thác gỗ bừa bãi vì mối lợi trước mắt, đã làm cho những cánh rừng đầu nguồn bị tàn phá. Tập quán du canh du cư và di dân tự do dẫn đến việc đốt rừng làm nương rẫy, gây xói mòn và rửa trôi những lớp đất màu mỡ. Hằng năm, hàng nghìn héc-ta rừng bị tàn phá, nhất là những rừng cây đầu nguồn. Hạn hán, lũ lụt, lũ quét, lở đất… cùng các nguy cơ tiềm ẩn của thiên tai những năm qua đều có chung một nguyên nhân do nạn phá rừng nghiêm trọng của chính chúng ta.

Tình yêu thiên nhiên là một trong những tình cảm lớn của con người và lòng tự hào về lịch sử và văn hóa Việt Nam, trong đó có sự tự hào về thiên nhiên, đất nước. Yêu nước là phải yêu chính những cánh rừng của Tổ quốc.

Ngày nay trên thế giới đã có hàng trăm nước có tục lệ trồng cây. Việc giữ gìn, tôn tạo hệ sinh thái thực vật, cải thiện môi trường sống, làm giảm đi những tác hại của sự thay đổi khí hậu là vấn đề hệ trọng không chỉ mang tính quốc gia, mà còn là vấn đề của toàn cầu. Xã hội hiện đại là xã hội điện tử, tin học và công nghệ… Nhưng xã hội hiện đại cũng lại thải ra một lượng chất thải khổng lồ, dẫn đến ô nhiễm môi trường, nguồn nước và thức ăn, đe doạ đến đời sống và sức khoẻ con người. Cây xanh ngoài ý nghĩa kinh tế, điều hoà khí hậu, bảo vệ môi trường sống… còn là vẻ đẹp văn hóa của một đất nước, là bài thơ thiên nhiên ban tặng cho con người!

Trong một bức thư viết nhân Tết trồng cây, Bác Hồ viết: "Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ làm một đợt, chứ không hiểu rằng Tết trồng cây là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục. Do đó đợt một thì làm ào ạt, về sau có vẻ nguội dần..." Và Bác nhấn mạnh: "Tết trồng cây cũng như mọi công việc khác, các cấp ủy Đảng phải lãnh đạo cụ thể và chặt chẽ thì mới thành công".

Thực hiện lời dạy của Bác, những năm qua cùng với phong trào trồng cây, trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chúng ta đã giao khoán cho dân để mọi khu rừng đều có chủ. Bên cạnh những khu rừng đại ngàn là những cánh rừng mới, những rừng cây chắn sóng ven biển, những miệt vườn cây ăn quả và những đường cây bóng mát. Nhưng kế hoạch trồng rừng, trồng cây cũng chưa được lãnh đạo chặt chẽ. Trong khi đó nạn phá rừng, khai thác gỗ bừa bãi vẫn gây ra những tác hại lớn, đòi hỏi mỗi người, mỗi địa phương, nhất là các cấp lãnh đạo cần phải ngăn chặn kịp thời.

Nói đến rừng, đến cây, có lẽ cũng nên nói đến những bóng cây xanh trong các thành phố, các đô thị, các khu công nghiệp, lá phổi của sự sống. Song hình như bên cạnh những khu nhà cao đẹp, những khu công nghiệp đang nối nhau mọc lên trên khắp đất nước, vẫn còn thiếu những bóng cây xanh. Cây xanh không chỉ là vẻ đẹp của thiên nhiên, nó còn là sự hòa hợp của không gian kiến trúc và yêu cầu của sự sống.