Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2009

Tìm hiểu tư tưởng Bác Hồ về công tác cán bộ



Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và của chế độ. Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng.

Bác Hồ nói về công tác cán bộ nhiều. Và dường như, theo cá nhân tôi, tư tưởng về công tác cán bộ là tư tưởng lớn trong suốt cuộc đời vĩ đại của Người. Sự vĩ đại của tư tưởng ấy là Bác nói là làm. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là những bài học vô giá, những “nguyên tắc vàng”, là phương pháp luận khoa học để các cấp ủy Đảng, những người trực tiếp làm công tác cán bộ xây dựng đội ngũ cán bộ cho Đảng, cho dân. Nhiều nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu thường xuyên nói về tư tưởng công tác cán bộ “khuôn vàng thước ngọc” của Bác. Và gần như tất cả chúng ta, đều thuộc lòng câu nói nổi tiếng của Bác: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” (1)

Trong phạm vi bài viết ngắn này, chúng tôi không có tham vọng nghiên cứu về tư tưởng lớn đó, mà chỉ nêu vài suy nghĩ như là một sự tự nhận thức, hành động trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Trước hết, công tác cán bộ bắt đầu từ đào tạo (bao gồm đào tạo qua trường lớp và đào tạo qua thực tiễn). Trong những năm tháng cam go của cách mạng, Bác Hồ đã tuyển chọn một đội ngũ cán bộ trẻ để đưa sang Trung Quốc, Liên Xô đào tạo; sau đó, đội ngũ cán bộ này quay về hoạt động cách mạng tại Việt Nam. Và chính họ đã trở thành những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những lãnh tụ xuất sắc của Đảng, của dân tộc; mà tên tuổi của họ luôn gắn với những trang sử vẻ vang của dân tộc, của Đảng. Nhiều nhà khoa học danh tiếng cũng đã theo Bác kháng chiến kiến quốc và trở thành những nhà khoa học đầu đàn, đặt nền móng cho sự nghiệp KH&CN nước nhà, có nhiều đóng góp to lớn đối với dân tộc.

Và trong suốt cuộc đời vĩ đại của Bác, công việc đào tạo cán bộ luôn được chăm lo cho cả hiện tại và tương lai- xem như một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng. Trước lúc đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin, Bác vẫn một tâm niệm: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Việc đào tạo cán bộ phải lâu dài, cần mẫn, chu toàn. Người dạy: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Và chỉ rõ: “Không phải vài ba tháng hoặc vài ba năm mà đào tạo được một cán bộ tốt. Cần phải công tác, đấu tranh, huấn luyện lâu năm mới được”. Công tác đào tạo phải được tiếp tục trong quá trình sử dụng cán bộ.

Thứ hai, về sử dụng và bố trí cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy và nâng giá trị truyền thống của cha ông “dụng nhân như dụng mộc” thành chuẩn mực, nguyên tắc của công tác cán bộ. Lời dạy giản dị mà sâu sắc của Bác luôn cần phải học hỏi và làm theo: “Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được! Nếu không biết tùy tài mà dùng người chẳng khác gì thợ rèn bảo đi đóng tủ, thợ mộc bảo đi rèn dao. Thành thử cả hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công”. Mặt khác, Bác hết sức quan tâm việc cất nhắc, đề bạt cán bộ. Bác nói, cất nhắc, đề bạt cán bộ là “vì công tác, vì tài năng”. Nếu vì “lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang” thì nhất định không ai phục, mà lại gây nên mối lôi thôi trong Đảng”, là “có tội với Đảng, có tội với đồng bào”. Bác lại nói: “Nơi nào mà các cán bộ cấp trên biết lựa chọn và dìu dắt, thì có nhiều cán bộ mới nảy nở và công việc rất phát triển. Trái lại, nơi nào cán bộ cấp trên không biết lựa chọn, dìu dắt, thì vẫn thiếu người mà công việc cứ luộm thuộm”.

Theo Bác, đối với cán bộ, chẳng những phải xem xét kỹ trước khi cất nhắc, đề bạt, mà sau khi đã cất nhắc, đề bạt vẫn phải tiếp tục giúp đỡ họ…Khi họ mới có dấu hiệu sai lầm, khuyết điểm là phải chấn chỉnh ngay, đừng để sai lầm, khuyết điểm trở nên to tát, rồi mới đem ra “chỉnh”… Bác căn dặn: “Phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi. Phải chịu khó dạy bảo mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ. Phải vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gũi mình”.

Đào tạo cán bộ là nhằm tạo ra những người có đủ nhiệt huyết, bản lĩnh, năng lực làm việc, làm việc có trách nhiệm, có hiệu quả. Bác Hồ nói: “Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo, “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách, như thế là một việc thất bại của Đảng”.

Thứ Ba, trong đào tạo, sử dụng cán bộ, cần mạnh dạn giao việc cho cán bộ thực hiện. Giao việc theo tư tưởng của Bác là dân chủ, là phân nhiệm rõ ràng, là đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, là phát huy sáng tạo của cán bộ. Bác chỉ rõ: Khi giao trách nhiệm cho cán bộ, phải làm cho họ yên tâm công tác, hứng thú trong công việc. Muốn thế, người lãnh đạo phải làm sao cho cán bộ “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, cả gan phụ trách, cả gan làm việc”. Người căn dặn: Người lãnh đạo muốn biết mình, tốt nhất là phải có thái độ và cách làm việc thật sự dân chủ, để mọi người xung quanh mạnh dạn, thẳng thắn nói những ưu, khuyết điểm của mình. Người lãnh đạo thật sự dân chủ, ý kiến của cán bộ được thật sự tôn trọng, thì khối đoàn kết nội bộ được củng cố, những sáng kiến được nảy nở, công việc nhất định sẽ được hoàn thành tốt đẹp.

Người nói: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc thì những khuyết điểm lặt vặt cũng tự sửa chữa được nhiều”. Theo chúng tôi, biện chứng của quan hệ “chân kiềng” (chữ tạm gọi của tác giả) giữa dân chủ, sáng kiến, hăng hái rất cần được vận dụng ngày càng nhiều hơn trong công tác lãnh đạo, quản lý. Có dân chủ thì mọi người mới có sáng kiến, mới hăng hái làm việc. Càng dân chủ thì càng có nhiều sáng kiến. Sáng kiến chỉ ra đời khi người đó tâm huyết, hăng hái làm việc trong một môi trường dân chủ.

Bác căn dặn: “Khi giao trách nhiệm cho cán bộ, cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Vạch ra những điểm chính và những khó khăn có thể xảy ra. Những vấn đề đã được quyết định rồi thì giao cho họ làm, khuyên họ cứ cả gan mà làm. Cũng như trong quân đội, khi chiến lược, chiến thuật đã quyết định rồi, thì Tổng tư lệnh không cần nhúng vào những vấn đề lặt vặt. Thà để cho các cấp chỉ huy có quyền “tuỳ cơ ứng biến” mới có thể phát triển tài năng của họ. Việc gì cấp trên cũng nhúng vào, cán bộ cũng như một cái máy, việc gì cũng chờ mệnh lệnh, sinh ra ỷ lại, mất hết sáng kiến”.

Để đảm bảo công việc chung, tuỳ mỗi công việc khi giao, cần phải bàn bạc cách thực hiện cho tốt và củng cố niềm tin hoàn thành nhiệm vụ cho cán bộ. Xong rồi, để cán bộ chủ động làm việc. Bác dạy chân tình: “Trước khi trao công tác, cần phải bàn kỹ với cán bộ. Nếu họ gánh không nổi, chớ miễn cưỡng trao việc đó cho họ. Khi đã trao cho họ phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác”

Thay lời kết, công tác cán bộ là công tác lớn của Đảng, bao gồm nhiều công việc và triển khai một cách đồng bộ các khâu: đánh giá, giám sát, quản lý, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, xây dựng và thực hiện chính sách cán bộ, xây dựng và thực hiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài vào những lĩnh vực quan trọng. Không phân biệt người trong Đảng, ngoài Đảng....Có những khâu theo trình tự, nhưng cũng có những khâu tiến hành song cùng, đan xen nhau,...Mục tiêu cuối cùng và tối thượng của Đảng ta là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, không quan liêu tham nhũng, lãng phí, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; có tư duy đổi mới, sáng tạo, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa; có tinh thần đoàn kết, hợp tác, ý thức tổ chức kỷ luật cao và phong cách làm việc khoa học, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đội ngũ cán bộ phải đồng bộ, có tính kế thừa và phát triển, có số lượng và cơ cấu hợp lý” (2).

Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng ta luôn quan tâm công tác cán bộ trong thời kỳ mới trên cơ sở các quan điểm: Công tác cán bộ phải phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quán triệt quan điểm giai cấp công nhân của Đảng, phát huy truyền thống yêu nước và đoàn kết dân tộc; gắn việc xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng tổ chức và đổi mới cơ chế, chính sách; thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân, nâng cao trình độ dân trí để tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ; Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời phát huy trách nhiệm của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị (3).

Bác Hồ với công tác cán bộ là một lĩnh vực rộng lớn, bao gồm nhiều nội dung, kể cả tư tưởng đối với người làm công tác cán bộ. Những lời dạy ấy đã thành nguyên tắc, phương pháp luận và là những bài học vô giá đối với công tác cán bộ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và đối với bản thân mỗi cán bộ. Học, làm theo Bác phải bắt đầu từ những tổ chức nhỏ nhất và mỗi cán bộ.


Tài liệu tham khảo:

1. Trích tài liệu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương xuất bản và các tư liệu trên webstie: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghệ An,...

2. Văn kiện Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam;

3. Chu Thái Thành - Công tác cán bộ của Đảng trong thời kỳ mới- Tạp chí Cộng sản điện tử số 1 (122) năm 2007

4. Các tài liệu điện tử qua google.com về “Bác Hồ với công tác cán bộ”.