Thứ Tư, 3 tháng 2, 2010

TƯ CÁCH CỦA MỘT NGƯỜI CÁCH MỆNH

Tự mình phải:

Cần kiệm

Hòa mà không tư

Cả quyết sữa lỗi mình

Cẩn thận mà không nhút nhát

Hay hỏi

Nhẫn nại (chịu khó)

Hay nghiên cứu, xem xét

Vị công vong tư

Không hiếu danh, không kiêu ngạo

Nói thì phải làm

Giữ chủ nghĩa cho vững

Hy sinh

Ít lòng tham muốn về vật chất

Bí mật

Đối với người phải:

Với tùng người thì khoan thứ

Với đoàn thể thì nghiêm

Có lòng bày vẽ cho người

Trực mà không táo bạo

Hay xem xét người

Làm việc phải:

Xem xét hoàn cảnh kỹ càng

Quyết đoán

Dũng cảm

Phục tùng đoàn thể

Đường Kách mệnh,
Năm 1927, sđd, t.2, tr. 260.

19. CÁN BỘ LÀ GÌ?

Cán bộ là dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dỡ thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được.

VẬY CÁN BỘ PHẢI CÓ NHỮNG ĐỨC TÍNH NHƯ THẾ NÀO?

1. Mình đối với mình: Đừng tự mãn, tự túc; nếu tự mãn, tự túc thì không tiến bộ. Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người ta. Phải siêng năng tiết kiệm.

2. Đối với đồng chí mình phải thế nào? Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dỡ. Học cái hay, sữa chữa cái dỡ. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị...

3. Đối với công việc phải thế nào? Trước hết phải nghĩ cho kỹ, có việc làm trước mắt thành công nhưng thất bại về sau. Có việc địa phương này làm có lợi nhưng có hại cho địa phương khác. Những cái như thế phải tránh... Phải có kế hoạch bước đầu làm thế nào? Bước thứ hai làm thế nào? Bước thứ ba làm thế nào?Thành công thì thế nào? Nếu thất bại thì thế nào? Mỗi ngày lúc sáng dậy, tự hỏi mình ngày hôm nay phải làm gì? Tối đi ngủ phải tự hỏi mình ngày hôm nay đã làm gì? Phải cẩn thận, cẩn thận không phải là nhút nhát, do dự...

4. Đối với nhân dân: Phải nhớ Đoàn thể làm việc cho dân, Đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe thao là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Nhưng có những việc dân không muốn mà phải làm như tán cư, nộp thuế, những việc ấy phải giải thích cho dân rõ. Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết.

5. Đối với Đoàn thể: Trước lúc mình vào Đoàn thể nào phải hiểu rõ Đoàn thể ấy là gì? Vào làm gì? Mỗi Đoàn thể phải vì dân vì nước. Khi vào Đoàn thể, tự do cá nhân phải bỏ. Phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của Đoàn thể. Phải tuyệt đói trung thành. Khi bình thời phải hết sức làm việc. Khi nguy hiểm phải hy sinh vì Đoàn thể. Hy sinh tính mạng, lợi quyền, giữ danh giá của Đoàn thể. Muốn giữ danh giá của Đoàn thể phải giữ danh giá mình. Không được báo cáo láo như: làm thành một việc thì phóng đại, thất bại thì dấu đi...

Bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa
Ngày 20-2-1947, sđd, t.5, tr. 54-55.

20. ... Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.

1. Cần: Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân.

2. Kiệm: Giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai ba lần. Mỗi ngày, công sở cả nước dùng hàng mấy vạn tờ giấy và phong bì. Nơi nào cũng tiết kiệm một chút thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Các vật liệu cũng vậy. Nhờ các công sở tiết kiệm, mà lợi cho dân rất nhiều.

3. Liêm: Những người ở các công sở, từ làng cho đến hính phủ trung ương đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ liêm làm đầu.

4. Chính: Mình và người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài hơn mình. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào. Chớ lên mặt làm quan cách mệnh.

Đời sống mới,
Ngày 20-3-1947, sđd, t.5, tr.104-105.

21. ... Một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau đây: Trí – Tín – Nhân – Dũng – Liêm.

Nói rõ nghĩa:

- Trí: Là sáng suốt, biết địch biết mình, biết người tốt thì nâng đỡ, biết người xấu thì không dùng, biết cái tốt của mình mà phát triển lên, biết cái xấu của mình mà tránh.

- Tín: Nói cái gì phải cho tin – nói và làm cho nhất trí – làm thế nào cho dân tin – cho bộ đội tin ở mình.

- Nhân: Là phải có làng bác ái, yêu nước – yêu đông bào – yêu bộ đội của mình.

- Dũng: Là phải mạnh dạn, quả quyết nhưng không phải làm liều. Phải có kế hoạch rồi kiên quyết làm ngay. Nguy hiểm cũng phải làm. Nghĩa là phải có lòng dũng cảm trong công việc.

- Liêm: Là không tham danh vị, không tham sống, không tham tiền, không tham sắc. Người cán bộ đã dám hy sinh cho Tổ quốc, hy sinh cho đồng bào, hy sinh vì nghĩa, thì không tham gì hết.

Lời nói chuyện trong buổi lễ bế mạc lớp bổ túc trung cấp,
ngày 10-10-1947, sđd, t.5, tr. 223-224.

22. Có những cán bộ chỉ thấy lợi ích bộ phận của mình, không thấy lợi ích của toàn thể, muốn đem lợi ích của toàn thể phục tùng lợi ích của bộ phận mình. Họ quên hẳn cái chế độ dân chủ tập trung. Họ quên rằng thiểu số phải phục tùng đa số, hạ cấp phải phục tùng thượng cấp, bộ phận phải phục tùng toàn thể.

... Vì tham danh vọng và địa vị, cho nên khi phụ trách một bộ phận nào, thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa ai thì tìm cách tẩy ra. Thế là chỉ biết có mình, chỉ biết có bộ phận mình mà quên cả Đảng. Đó là một thứ bệnh hẹp hòi, trái hẳn với nguyên tắc tập trung và thống nhất của Đảng.

... Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên là không nổi.

Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết cách xử trí khôn khéo với các hạng đồng bào (như tôn giáo, quốc dân thiểu số, anh em trí thức, các quan lại cũ,...)

Sửa đổi lối làm việc,
tháng 10-1947, sđd, t.5, tr.236, 238.

23. ... Vì vậy, mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: lợi ích cá nhân nhất định phri phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phân nhất định phải phục tùng lới ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài.

Nghĩa là phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng tực là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc.

Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”.

Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng.

Sửa đổi lối làm việc,
tháng 10-1947, sđd, t.5, tr.250-251.

24. ... Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến.

Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho những đồng chí đó.

Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính.

Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên.

Bài nói chuyện trong buổi bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu,

ngày 18-1-1949, sđd, t.5, tr. 552.

25. ... Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, phục vụ cách mạng.

Vì vậy, đã là đảng viên thì phải cố thành một đảng viên “bốn tốt”, tức là phải hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, làm đúng chính sách của Đảng, nếu không thì vào làm gì? Đảng không bắt buộc ai vào Đảng cả. Vào thì có nhiệm vụ, có trách nhiệm của đảng viên, nếu sợ không phục vụ được nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hay là khoan hãy vào.

Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên.

Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân dân chứ không phải là “quan” nhân dân.

Bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Hà Tây

ngày 10-2-1967, sđd, t.12, tr. 221-222.

26. ... Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân.

Đạo đức cách mạng

tháng 12-1958, sđd, t.9, tr. 290.


Template by:

Free Blog Templates